Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ: Thấy gì sau gần 4 năm xử lý?

Sau gần 4 năm xử lý 12 dự án (DA) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, 7/12 DA, DN còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng cấp cho 12 DA tính đến 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng, đa số dự án không trả được nợ đúng hạn…

7/12 DA thua lỗ, dừng hoạt động

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội Khóa XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các DA, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. 

Theo báo cáo, đến nay, chỉ có 2/12 DA, DN có lãi, trong đó 1 DN vẫn còn lỗ lũy kế (Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt – Trung).

Đã có 3 DA, DN giảm được lỗ, nhưng chưa bền vững. Theo đó, năm 2018 so 2017: Nhà máy Phân đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. Năm 2019 so 2018: Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 134 tỷ đồng, Công ty DQS giảm lỗ 64,04 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Hà Bắc tăng lỗ 239 tỷ đồng, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai tăng lỗ 178,2 tỷ đồng...

Đáng mừng là có 1 DA, DN dừng hoạt động, nay đã vận hành trở lại đó là Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Tuy nhiên, 7 DA, DN còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động. Có 5/12 DA, DN có tranh chấp, vướng mắc EPC với nhiều nội dung được DN đàm phán nhiều lần với đối tác, nhưng vẫn không thành công.

Dư nợ của các DA, DN tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và một công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 DA với tổng số dư nợ đến thời điểm 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn  17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn 3.769 tỷ đồng.

Ngoài 12 DA, DN này, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn cấp tín dụng cho 6 DA với tổng dư nợ đến 31/12/2019 là 9.796 tỷ đồng.

Thực trạng của nhiều DA hiện rất bế tắc. Chẳng hạn, dự án của Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), có PVOil góp 39,76% vốn điều lệ đang đầu tư xây dựng dở dang, đạt khoảng 78% khối lượng công việc.

Các bên không thống nhất với nhau về chi phí phát sinh nên đã dừng thi công từ tháng 11/2011, đến nay chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp góp phần vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai, hoàn thành.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) đầu tư, xây dựng dở dang, dừng thi công từ quý I/2013, có tổng mức đầu tư tăng cao (từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104,9 tỷ đồng), gặp khó khăn trong thu xếp vốn để tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng. Hợp đồng EPC giữa Tisco và Tổng thầu MCC của Trung Quốc có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được, Tổng công ty Thép Việt Nam phải bảo lãnh đối với khoản vay của Tisco cho dự án, VietinBank từ chối việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với khoản vay này.

Do bị ảnh hưởng từ Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nên kết quả sản xuất - kinh doanh của Tisco ngày một giảm dần...

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bỏ hoangDự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên bỏ hoang

Bùng nhùng trong mớ... bùng nhùng

Với số nợ khổng lồ như trên, càng để các DA dở dang, cầm chừng, thiệt hại của DN càng lớn. Trong các giải pháp xử lý, phương án tái cơ cấu để thoái vốn, bán DA được xem là khả thi hơn cả.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo các thủ tục và quy định hiện hành, việc này được các bên liên quan ví như “gà mắc tóc”.

Chẳng hạn, trước khi thoái vốn phải xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, nhất là 3 DA thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam. DN và cơ quan quản lý đều nhìn nhận khả năng thắng kiện thấp, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, có thể chi phí cho việc phải trả tiền cho các nhà thầu khi thua kiện cộng với chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong các hợp đồng EPC.

Đối với Dự án Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng, đang được xem xét đưa ra khỏi danh sách bởi đã có lãi 3 năm gần đây, nhưng vẫn lỗ lũy kế, khiến các quyết định về điều kiện thoái vốn giữa các văn bản chưa rõ và thống nhất trong áp dụng. Các bên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Với Dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF), đã âm vốn chủ sở hữu nên phương án cho thuê tài chính - bán tài sản không thực hiện được (rao suốt không có đối tác quan tâm).

Trong khi đó, khởi động, vận hành lại nhà máy và bán/thoái vốn của PVOil, dù công ty này đã làm việc với nhiều đối tác để thoái vốn nhưng không đạt kết quả. Thực tế, PVOil chỉ chiếm 29% vốn điều lệ nên không có quyền quyết định việc vận hành nhà máy.

Hiện nay, các cổ đông đang bàn bạc, xem xét chủ trương bàn giao tài sản cho ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.

Đối với Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi, khả thi nhất là thoái vốn.

Tuy vậy, tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong. Về phần người mua, cũng không dễ tìm kiếm, nếu chỉ bán lẻ DA này.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, Trần Đình Long, khi được hỏi có quan tâm và muốn mua lại DA này không đã trả lời thẳng rằng, DA không có nhiều yếu tố hấp dẫn từ cả nguồn nguyên liệu và vị trí xa cảng biển để vận chuyển thành phẩm.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an

Hiện tại, tất cả 12 DA, DN đều được thanh tra ở các cấp độ thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành và thanh tra của địa phương với tổng số 24 cuộc thanh tra (22 cuộc đã có kết luận thanh tra). 

Trong đó, 4 DA, DN đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, gồm: Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đây đều là những dự án yếu kém, lỗ triền miên, thậm chí là chưa hoàn thiện. 

Cụ thể, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất. Đến hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.316,34 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.019,63 tỷ đồng.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang đầu tư xây dựng dở dang, đạt khoảng 78% khối lượng công việc; các bên không thống nhất với nhau về chi phí phát sinh nên đã dừng thi công từ tháng 11/2011, đến nay chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp góp phần vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai, hoàn thành. Hết năm 2019, tổng nợ phải trả là 1.210,93 tỷ đồng, lỗ lũy kế -17,77 tỷ đồng.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên khởi công từ tháng 9/2007 đến nay chưa xong. 

Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu là -3.103,32 tỷ đồng, tổng tài sản 4.798,35 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 7.901,67 tỷ đồng, lỗ lũy kế -5.356,04 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành việc xử lý tranh chấp pháp lý với nhà thầu thực hiện DA; hoàn thành cơ bản công tác quyết toán vốn đầu tư.

Chính phủ kiên quyết thực hiện phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các DA, DN không có khả năng khắc phục để thu hồi tối đa vốn, tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất mất vốn Nhà nước; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.

Bùi Quyền 

Bài liên quan

Tin mới

Lạng Sơn: Khánh thành và bàn giao toà nhà ở xã hội GP2
Lạng Sơn: Khánh thành và bàn giao toà nhà ở xã hội GP2

Ngày 28/3, tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư NNP - Chủ đầu tư Dự án Nhà ở xã hội số 2 thành phố Lạng Sơn tổ chức lễ khánh thành và bàn giao toà nhà ở xã hội GP2.

BIC chi trả hơn 2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Lâm Đồng
BIC chi trả hơn 2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Lâm Đồng

Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bảo Lộc (BIDV Bảo Lộc) vừa tổ chức gặp gỡ và trao hơn 2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An) cho thân nhân khách hàng không may gặp rủi ro tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Thanh Hóa triển khai thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định
Thanh Hóa triển khai thực hiện hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định

Ngày 28/3/2024, Sở Công Thương Thanh Hóa ban hành công văn số 786/SCT-QLTM về việc triển khai thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định, gửi các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Thông báo tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025
Thông báo tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025

Thực hiện Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 22/03/2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Lam Sơn xin trân trọng thông báo kế hoạch tuyển sinh của nhà trường năm học 2024-2025.

Thanh Hóa cảnh báo mưa dông và mưa lớn cục bộ
Thanh Hóa cảnh báo mưa dông và mưa lớn cục bộ

Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa từ chiều tối và đêm 28/3 đến ngày 29/3 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn
Lọc hóa dầu Nghi Sơn vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn

Thông tin từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), đến ngày 28/3/2024, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt thành tựu vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn, không xảy ra tai nạn lao động.