Bão số 4 gây thiệt hại nặng nề tại Nghệ An và Thanh Hóa
Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã làm đổ sập hoàn toàn 4 ngôi nhà kiên cố; 1.243 nhà dân bị ngập sâu trong nước; 1.278 ha lúa, 1.683 ha rau màu bị ngập, hư hỏng; 3.753 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Đặc biệt tại TP Thanh Hóa và các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước…, chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng hỗ trợ di chuyển hơn 4.000 hộ dân đến nơi an toàn do nước ngập nhà. Trong đó, TP Thanh Hóa di chuyển tới 1.705 hộ dân (gần 7.000 người) ở các xã Thiệu Dương, Hoằng Anh, Hoằng Lý, phường Đông Hải do nước sông Mã lên cao.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sạt lở tại nhiều tuyến quốc lộ qua Thanh Hóa như 15, 15C, 16, 217, 47 và nhiều tỉnh lộ, gây ách tắc giao thông; nhiều xã, bản làng bị chia cắt. Trên Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16 và một số tuyến đường tỉnh lộ từ Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) đi huyện Mường Lát có hơn 50 điểm sạt lở. Các điểm sạt lở này đã cô lập huyện Mường Lát. Huyện này cũng xảy ra mất điện trên diện rộng từ sáng 17-8.
Còn tại Nghệ An, đến ngày 19/8, nước lũ trên sông Nậm Mộ (huyện Kỳ Sơn) đã rút nhưng nhiều nơi bị ngập sâu trong lớp bùn đất dày khoảng 0,5 m. Chính quyền huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trong ngày 19-8, đoàn công tác của UBND huyện Kỳ Sơn đã đến thăm hỏi, động viên thân nhân 5 gia đình có người bị tử vong trên địa bàn trong đợt mưa lũ vừa qua. Huyện cũng hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong, mất tích 5,4 triệu đồng.
Tại các huyện miền núi khác ở Nghệ An như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp..., sau khi nước rút, chính quyền đã huy động mọi lực lượng, nguồn lực để sửa chữa nhà cửa, đường sá, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Về vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi, Ban chỉ đạo lưu ý các công ty, địa phương tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; tuần tra, canh gác, kịp thời xử lý giờ đầu các sự cố đê điều.
Tính đến hết ngày 19/8, dù mưa đã giảm nhưng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở các huyện miền núi Nghệ An vẫn bị chia cắt do sạt lở, ngập nước. Một số xã bị nước lũ cô lập.
Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục xuống; riêng hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn và sông Thương tại Phủ Lạng Thương tiếp tục lên.
Đến đêm 19/8, mực nước các sông có khả năng như sau: Sông Thương tại Phủ Lạng Thương xuống mức 4,7m, trên BĐ1 0,4m; Sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 10,0m, mức BĐ1; Sông Mã tại Lý Nhân xuống mức 8,5m, dưới BĐ1; tại Giàng xuống mức 2,95m, dưới mức BĐ1; Sông Cả tại Dừa xuống mức 23,0m, trên BĐ2 0,5m; tại Nam Đàn đạt đỉnh ở mức 6,7m, dưới BĐ2 0,2m vào tối 19/8, sau xuống chậm.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt ở vùng trũng thấp đặc biệt là các huyện Thạch Thành, Yên Định (Thanh Hóa); Hưng Nguyên (Nghệ An).
Đinh Hoàng