Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 2 năm 2019 đạt 183 nghìn tấn, tương đương 66 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2018 đạt 457 nghìn tấn, tương ứng với 166 triệu USD. Theo đó, giảm 20,1% về khối lượng và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm về xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 2/2019 và 2 tháng đầu năm là do sự sụt giảm về cầu nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.

2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn giảm mạnh về lượng và giá trị - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Thực tế, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Sinograin thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới sự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan, đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 2/2019 của Việt Nam đạt 363 USD/tấn, tương đương tăng 18,4% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn tiếp tục tăng nhẹ, đạt 430 USD/tấn, tương ứng tăng 4,2% so với cùng kì năm 2018. Trong khi, do cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc ảm đạm và nguồn cung dồi dào vì đang trong mùa thu hoạch đã kéo giá xuất khẩu sắn lát bình quân của Việt Nam trong tháng 2/2019 đạt 157 USD/tấn, giảm 18,2% so với cùng kì năm trước.

Hằng Vương (t/h)