Kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với giá trị 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký đầu tư, tăng 51,4% so với kỳ năm trước.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/09, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với kỳ năm trước.
Trước cảnh vốn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu bị hạn chế, thị trường bất động sản đang là điểm sáng cho vốn FDI.
Ông TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho biết: Việc siết tín dụng giúp Nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt,... Đặc biệt là hỗ trợ các ngân hàng hạn chế các trường hợp vay tín dụng xấu.
“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng vốn FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu độ thị với hơn 10 triệu dân như TP HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương chia sẻ thêm.
Năm 2022, Nhà nước đã chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành trong thời gian tới sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản. Bởi lẽ này mà nhiều chuyên gia nhận định, nguồn vốn FDI là điểm sáng.
Còn theo ông Đỗ Duy Thành - Quản lý Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt hy vọng nhiều vào thị trường Việt Nam. Bởi Việt Nam trong hai năm qua luôn tiên phong và làm tốt công tác phòng chống dịch với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng ký kết 02 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
“Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lực lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực”, ông Thành nói.
Thế nhưng, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản vẫn vấp phải nhiều khó khăn và thách thức. Nhìn nhận số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm cho thấy vấn đề giải ngân không được như thực tế đã cam kết, bởi nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án. Do đó, làm ảnh hưởng tới quá trình triển khai vấn đề.
Hồng Nhung (t/h)