Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị:

Khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957 của Bộ Y tế ngày 10/7/2020, cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn;

Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu
Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu

Với các ca lâm sàng nghi ngờ bạch hầu, các cơ sở y tế ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu và triển khai ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị; đồng thời, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết; hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca khó, ca nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến.

Các địa phương lưu ý cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng, theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6 - 10 ngày, với tỷ lệ tử vong lên đến 20%.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh, thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần. Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần; hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc với người bệnh, hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.

Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao. Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong, vì những biến chứng khác.

Liệt màn khẩu cái (màn hầu) là một biến chứng khác có thể gặp ở bệnh bạch hầu, thường xuất hiện vào tuần 3 của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả liệt cơ hoành. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.

Bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, ⅓ trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài.

Tỷ lệ tử vong của bệnh thường rơi vào khoảng 5 – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Thiên Trường