Ngày 29/5, theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019-thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ chiếm 14,2% và đường biển đạt chiếm 2,1%.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương đẩy mạnh.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với trên 1,9 triệu lượt (chiếm 25,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,6 triệu lượt (chiếm 21,2%). Đáng chú ý, lượng khách Trung Quốc trong tháng 5/2024 đạt 357 nghìn lượt, đã cao hơn cả khách Hàn Quốc (351 nghìn lượt).
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (529 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (350 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (289 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia (214 nghìn lượt), Úc (213 nghìn lượt), Thái Lan (198 nghìn lượt), Campuchia (197 nghìn lượt), Ấn Độ (196 nghìn lượt).Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (529 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (350 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (289 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia (214 nghìn lượt), Úc (213 nghìn lượt), Thái Lan (198 nghìn lượt), Campuchia (197 nghìn lượt), Ấn Độ (196 nghìn lượt).
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế (đạt 3,84 điểm); năm 2021 xếp hạng 56/117 nền kinh tế (đạt 4,0 điểm); năm 2024 xếp hạng 59/119 nền kinh tế (đạt 3,96 điểm) - giảm 3 bậc so với năm 2021.
Theo khung đánh giá mới, nhiều quốc gia trong khu vực bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm 1 bậc. Indonesia, Lào giữ nguyên hạng; Philippines tăng 1 bậc.
Năm 2024, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (hạng 13), Indonesia (22), Malaysia (35), Thái Lan (47). Việt Nam xếp trên Philippines (69), Campuchia (86), Lào (91). Brunei không có trong danh sách xếp hạng.
Năm nay, Việt Nam có 4 chỉ số trong nhóm hàng đầu thế giới (hạng 1-35). Chỉ số có thứ hạng tốt nhất là Sức cạnh tranh về giá (hạng 16). Các chỉ số: An toàn, an ninh (23), Tài nguyên tự nhiên (26), Tài nguyên văn hóa (28) tiếp tục được đánh giá cao…
Minh An (t/h)