Nền kinh tế định hướng xuất khẩu

Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích kinh doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ qua việc các phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung và Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 18 hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty nội địa và nước ngoài.

Sự chuyển dịch từ Trung Quốc

Việc Trung Quốc dần chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi nước này đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời. Khả năng về cuộc chiến tranh thương mại của Trung Quốc và Mỹ cũng tạo ra những tác động hai chiều. Một mặt, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam, mặt khác lại khiến giá cả hàng hoá leo thang, điều này có thể sẽ khiến giảm sức mua trên thị trường thế giới và ảnh hưởng đến lượng hàng hoá xuất khẩu.

6 yếu tố chủ chốt nâng tầm BĐS, công nghiệp Việt Nam 'cất cánh' - Hình 1

Sẽ có sự dịch chuyển công xưởng khởi Trung Quốc

Vị trí chiến lược

Việt Nam sở hữu một vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore với hơn 3260km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới.

Khoảng 40% lượng hàng hoá vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Thị trường Logistics đang chuyển mình

Rất nhiều chuyên gia cho rằng thị trường logistics sẽ phát triển nổi bật trong vòng 5-10 năm nữa. Sự tăng trưởng mạnh mẽ tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao và sự lan toả mạnh mẽ của thương mại điện tử ngày nay sẽ là những sung lực, nguồn cầu mạnh mẽ thúc đẩy thị trường logistics phát triển.

Cơ sở hạ tầng

Theo Ngân hàng phát triển Châu Á, 5,8% tổng số sản phảm nội địa (GDP) được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi phí cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp/logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng.

Cách mạng công nghiệp 4.0

Một trong những thách thức của Việt Nam trong vòng vài năm tới là việc làm sao có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt được những thay đổi do công nghệ và tự động hoá do Công nghiệp 4.0 mang lại.

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định: “Với tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á và cũng tương tự như quá trình phát triển ở các nước khác trong khu vực, chúng tôi tin tưởng rằng thị trường công nghiệp Việt Nam sẽ sớm chuyển mình và phát triển lên một tầm cao mới trước những lợi thế đã có sẵn. Việt Nam sẽ chuyển dịch từ một thị trường sử dụng nhiều lao động sang thị trường phát triển tập trung nhiều vốn".

Ông Greg Ohan, Phó Tổng Giám đốc BW Industrial, nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê lớn nhất Việt Nam chia sẻ: “Dưới góc độ là chủ đầu tư bất động sản, BW Industrial sẽ thực hiện sự mệnh nâng tầm phát triển bền vững bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, bằng việc thúc đẩy sự tăng trưởng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng BW Industrial sẽ trở thành nhà vận hành công nghiệp và kho vận hàng đầu cho sự phát triển của các lĩnh vực như sản xuất và thương mại điện tử”.

Trúc Mai