Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý Nhà nước như tham gia, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kết quả thực hiện công tác chuyên môn của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Trung tâm) cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực: Xây dựng tiêu chuẩn; Hỗ trợ, góp ý, đồng hành cùng 63 tỉnh/thành phố; Dự án Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; Hoạt động hợp tác quốc tế với vai trò thành viên GS1 Việt Nam…

Đến nay, Hệ thống phần mềm Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia đã được nghiệm thu để đưa vào vận hành thử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, ngoài vai trò đại diện GS1 Việt Nam tham gia các hoạt động của tổ chức GS1 quốc tế, trong năm 2022, Trung tâm cũng tích cực tham gia các sự kiện, nhóm làm việc, trao đổi hợp tác về truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy hoạt động này.

Về triển khai Đề án 100 của Chính phủ về Truy xuất nguồn gốc, đến nay đã có: 62/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; 47/63 địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án; 40/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng/sản phẩm ưu tiên được thực hiện TXNG; 32/63 địa phương đã có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh/thành phố; 30/63 địa phương đã triển khai TXNG hoặc đã áp dụng tem TXNG cho một số sản phẩm cụ thể.

Ngoài ra, trong năm 2022 Trung tâm cũng đồng hành cùng một số địa phương như Lạng Sơn, Ninh Bình, Gia Lai, Kiên Giang, Bình Dương… hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Minh Anh (t/h)