Hội nghị đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Hội nghị tập huấn về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Hội nghị tập huấn về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh về tầm quan trọng của mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc trong việc thúc đẩy giá trị sản phẩm, hàng hoá hướng tới sự minh bạch và uy tín, xây dựng hình ảnh tin cậy đối với người tiêu dùng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách về hoạt động ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hàng hoá tại địa phương.

“Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp cho doanh nghiệp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàngv hoá giúp tạo được sự tin tưởng cho khách hàng; bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp và sản phẩm hàng hoá của mình. Qua đó, giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý, đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hoá”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, để triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ về Truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 14/10/2019. Theo đó, Sở Khoa học và công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Yên phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã tổ chức hội nghị tập huấn về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, phân tích hiện trạng áp dụng truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Phú Yên, đồng thời đưa ra các định hướng quản lý về truy xuất nguồn gốc trong những giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp có những định hướng phù hợp áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hoá đơn vị mình sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, thời gian qua, các ngành, địa phương ở tỉnh Phú Yên đã tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đều chưa có nhận thức đầy đủ về hoạt động này. Do đó, ông Hà mong muốn qua hội nghị, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh có thể thay đổi được tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc hàng hoá không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ hải sản mà kể cả trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Năm 2020, Phú Yên đã triển khai truy xuất nguồn gốc cho 9 loại sản phẩm OCOP đạt 3 sao bao gồm: Dầu phộng Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), trà Diệp Hạ Châu (TX Đông Hòa), nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), rượu tằm Hòa Phong, hạt tiêu đen Sơn Thành (huyện Tây Hòa), gạo thơm Hoa Vàng (huyện Tuy An), cam sành, cam V2, bưởi da xanh (huyện Sông Hinh). Ngoài việc sẽ triển khai truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP khác, tỉnh Phú Yên sẽ triển khai áp dụng cho tất cả các sản phẩm hàng hoá khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh doanh có nhu cầu.

Chuyên gia của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia chia sẻ thông tin về Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia (NBC-Trace) tại hội nghị
Chuyên gia của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia chia sẻ thông tin về Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia (NBC-Trace) tại hội nghị

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án 100; xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hiện đã và đang phối hợp với các tỉnh, thành phố trong đó có Phú yên triển khai hàng loạt các hoạt động về truy xuất nguồn gốc như tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của truy xuất nguồn gốc; khảo sát thực trạng truy xuất nguồn gốc; biên soạn và ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo điều kiện kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc phẩm, hàng hóa quốc gia.

“Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia (NBC-Trace) khi đưa vào vận hành sẽ cho phép mỗi tài khoản đăng ký sử dụng có thể thực hiện quản trị toàn bộ quá trình sản xuất - sơ chế - bán hàng trên hệ thống. Toàn bộ quá trình sản xuất từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển đều được ghi nhật ký điện tử. Ðặc biệt, hệ thống được công nhận bởi tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1, cho phép kết nối thông tin toàn bộ với các đơn vị trong hệ sinh thái về truy xuất nguồn gốc và mã số, mã vạch sản phẩm”, ông Đoan cho biết.

Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cũng cung cấp hai loại tem truy xuất nguồn gốc (tem giấy và tem số) và có những ưu đãi nhất định hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Đoan cho biết thêm.

Tại hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận đến từ các đại biểu tham dự, trong đó nổi bật là các ý kiến đề nghị tư vấn, làm rõ quy trình truy xuất nguồn gốc, thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc… cho sản phẩm.

Phú Yên là một trong 47/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc từ năm 2019 và cũng là tỉnh đầu tiên khu vực miền Trung đẩy mạnh các hoạt động triển khai hoạt động này trong năm 2021.

Hà Thủy