Ảnh minh họaẢnh minh họa

Liên tục được thúc đẩy

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt đã liên tục được thúc đẩy với 5 giải pháp chính.

Trước tiên là hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán như việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thực hiện trong lĩnh vực dịch vụ công.

Xây dựng và chuẩn hóa thông tin nộp ngân sách nhà nước, thông tin thu nộp ngân sách nhà nước, kết hợp với nâng cấp và triển khai đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách nhà nước giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

Hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan.

Ban hành hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch liên quan đến dịch vụ công.

Chuyển chức năng quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ Ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bà Bình cho biết, các giải pháp trên đã mạng lại nhiều kết quả, trong đó đáng chú ý là hệ thống điện tử liên ngân hàng đã kế nối được với 63 kho bạc, ngân hàng nhà nước ở các địa phương. Đây là cơ sở đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay đã có 50 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi cả nước; 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử; số tiền điện tử đã nộp từ năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người nghiên cứu quá trình triển khi thanh toán không dùng tiền mặt, bà Bình cũng đưa ra một số hạn chế. Theo đó, các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số còn nhiều bất cập. Với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ.

Thói quen sử dụng tiền mặt là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế. Cuối cùng là chưa có sự đồng bộ về hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là dịch vụ công.

7 giải pháp trọng tâm

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá; đồng thời đề ra một số giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông.

Thứ ba, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.

Thứ tư, khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC), cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.

Thứ năm, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.

Thứ sáu, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.

Thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về những rủi ro trong thời đại số và hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý; Chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 V.Anh