Xuất khẩu gỗ Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu theo Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) và các thủ tục cấp phép FLEGT theo Hiệp định đối tác tự nguyện thực thi FLEGT (gọi tắt là FLEGT-VPA) mà Việt Nam đang đàm phán với EU
Xuất khẩu gỗ là một trong 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong năm 2013 với 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 80% tổng giá trị sản xuất của cả ngành. Ngành chế biến gỗ cũng đem lại thu nhập cho gần 300.000 lao động tại 3.500 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ gia đình tại các làng nghề, khu vực trồng rừng… Phát triển bền vững và ổn định ngành chế biến gỗ có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và xã hội của nhiều khu vực.
Cùng với một số thị trường khác, Liên minh châu Âu (EU) chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã đặt ra những yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững đối với mọi sản phẩm gỗ nhập khẩu vào khu vực này.
Kể từ ngày 3/3/2013, quy chế gỗ của EU có hiệu lực nhằm đối phó với vấn đề khai thác và thương mại bất hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu đồ gỗ sang EU nếu đảm bảo rằng gỗ nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và bền vững theo quy định của FLEGT - VPA.
Quá trình đàm phán FLEGT - VPA đang ở giai đoạn cuối, hai bên đã tiến hành 20 cuộc họp trực tuyến, 7 phiên họp cấp chuyên viên và 3 phiên đàm phán cấp cao. Dự kiến việc ký kết sẽ thực hiện vào khoảng tháng 10/2014".
Tuy nhiên, theo rà soát sơ bộ cho thấy không nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến xuất khẩu gỗ có hiểu biết về FLEGT - VPA, còn số có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu này càng ít hơn nữa. Hiện trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai xuất khẩu đồ gỗ sang EU của Việt Nam.
Theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 4/2014 do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) thực hiện, chỉ có 57% doanh nghiệp biết về FLEGT - VPA, 75% doanh nghiệp chưa biết các nội dung chủ yếu của FLEGT - VPA. Điều đáng nói là 73% các doanh nghiệp này đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất sang EU và chiếm 51% thị phần xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc chúng ta phải làm ngay hiện nay là đẩy mạnh cung cấp thông tin và tuyên truyền về FLEGT - VPA cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Các hiệp hội gỗ cũng nên chủ động đóng góp ý kiến tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp trong quá trình đàm phán đi đến ký kết FLEGT-VPA.
T.Hà