(TH&CL) Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), từ đầu năm 2012 đến nay NHNN đã 8 lần giảm lãi suất cho vay, đồng thời kêu gọi các NHTM giảm lãi suất các khoản vay xuống dưới 13%. Song về cơ bản, những khó khăn của DN vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều DN vẫn than khó tiếp cận vốn, nhất là vào thời điểm cuối năm…

Cao, thấp đều… khó!

Đã hạ lãi suất đến 8 lần, chỉ trong vòng hơn 1 năm nhưng việc tiếp cận vốn với các DN, nhất là các DNNVV, DN tại các vùng nông thôn, vẫn là vấn đề xa vời. Trước đây, DN khó tiếp cận vốn vì lãi suất quá cao, nay lãi suất hạ nhưng rất nhiều DN không đủ điều kiện để thế chấp và xét duyệt vay vốn.

Thực tế, các DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, để vực dậy và bắt kịp xu thế, DN cần tăng cường liên doanh, liên kết, tập trung vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, trang bị kỹ thuật hiện đại… DN rất cần vốn để mở rộng và phát triển nhưng không còn tài sản thế chấp nên không tiếp cận được vốn, dù dịp cuối năm, các NH đua nhau giải ngân với những gói lãi suất ưu đãi.

Vai trò của tín dụng NH đối với DN rất quan trọng. Những chính sách như khoanh nợ, giãn nợ, trả chậm và tái cấp vốn đã được quán triệt và ưu tiên cho các DN tư nhân, DNNVV, DN tại các vùng trọng điểm, kinh tế khó khăn, theo Quyết định 780 của NHNN. Tuy nhiên, theo đại diện một số DN, về cơ bản, khó khăn của các DN vẫn chưa được tháo gỡ vì các NH rất chặt trong điều kiện cho vay, đối với các DN đủ điều kiện, cũng chỉ được vay vốn thời hạn ngắn, rất khó để có thể “vực dậy” được DN.

Ngân hàng nên bán thứ DN cần

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ giúp DN tăng lợi nhuận khi kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, trong điều kiện tổng cầu thấp thì đòn bẩy tài chính lại là mối đe dọa không những làm giảm lợi nhuận, mà còn làm cho DN phá sản và mất khả năng thanh toán. Muốn DN hoạt động hiệu quả, mang lại giá trị cho cổ đông, thì lợi nhuận thu được phải lớn hơn lãi suất vay.

Số liệu thống kê lợi nhuận ngành liên NH trong 2 năm 2011 và 2012 cho thấy, lợi nhuận trước thuế về vốn đầu tư trung bình khoảng 6,125%, chỉ số này liên tục đi xuống trong thời gian gần đây, phản ánh lãi suất cho vay thực tế đang vượt quá sức chịu đựng của các DN. Mức trần lãi suất cho vay hiện tại từ 11% - 13%, vẫn cao, chỉ nên duy trì mức lãi suất cho vay từ 6,5%  - 7,5%...

Một số DN cho rằng, các NH đang bán thứ NH có, chứ chưa hướng nhiều tới thứ các DN cần. Bằng chứng là, khi hầu hết các DN đang chủ yếu dựa vào nguồn vốn của NH để duy trì sống còn, thì các NH lại quá quan tâm đến những vấn đề về thủ tục hành chính mà bỏ qua những lợi ích thiết thực của DN, bỏ qua những cơ hội thu nợ, thanh toán nợ xấu. Bà Hồ Thị Thắm, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long có 3.264 DN (tính đến cuối năm 2012) nhưng đến cuối năm 2013 đã có rất nhiều DN phải giải thể vì không có vốn để tiếp tục đầu tư, phát triển, nhiều nông dân đã trắng tay với những dự án nuôi trồng thủy sản, không thể tiếp tục vay vốn vì không còn tài sản thế chấp, bắt buộc phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH TM&SX Cửu Long (Vĩnh Long) nhận định, do áp lực tăng vốn, các NH phải đua nhau huy động vốn, khiến lãi suất đầu vào luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của các NH cũng rất cao, để đảm bảo lợi nhuận, các NH phải cho mức chênh lệch (lãi gộp) giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lớn, từ 4% - 5%. Đây là mức chênh lệch không thể chấp nhận được trong điều kiện nền kinh tế suy thoái, tổng cầu suy giảm nghiêm trọng như hiện nay. Nếu chấp nhận mức lãi suất hiện tại, các DN vẫn phải gồng mình gánh thêm lãi suất từ các hoạt động kém hiệu quả của NH, trong khi lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng giảm xuống.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, NH phải xác định bán cho khách hàng thứ họ đang mong đợi, chứ không phải là cung cấp các sản phẩm tài chính đơn thuần NH đang có. Tất cả giá bán sản phẩm của NH phải mang tính cạnh tranh và phải được định giá trên nguyên tắc “giá trị” chứ không phải định giá trên “chi phí”. Bản chất sản phẩm của NH phải là tập hợp của “chuỗi lợi ích” đáp ứng tốt nhất mong đợi của khách hàng, do vậy NH phải đa dạng hóa sản phẩm, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà trong thủ tục cấp vốn, đồng nghĩa với giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động NH, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa giúp xây dựng hình ảnh NH tin cậy, an toàn với cộng đồng DN.

Nguyễn Hạnh