Theo ấn phẩm Triển vọng phát triển châu Á (ADB Outlook) công bố ngày 9/4, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026 – giảm nhẹ so với mức 7,1% ghi nhận trong năm 2024.

Dù duy trì triển vọng tích cực, ADB lưu ý rằng các dự báo này được đưa ra trước khi Mỹ công bố gói thuế quan mới, và các yếu tố bất định từ môi trường quốc tế có thể tạo thêm áp lực đáng kể lên nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á tháng 4/2025
Ngân hàng Phát triển châu Á ADB công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á tháng 4/2025

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định: “Tăng trưởng thương mại mạnh, sản xuất xuất khẩu phục hồi và dòng vốn FDI duy trì ở mức cao là động lực chính cho đà tăng trưởng năm 2024. Tuy nhiên, các động thái mới về thuế quan từ Mỹ cùng với những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.”

ADB cảnh báo môi trường kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh do tác động từ căng thẳng địa chính trị, xung đột kéo dài giữa Nga - Ukraine, bất ổn tại Trung Đông và nguy cơ leo thang các biện pháp trả đũa thương mại. Những yếu tố này có thể làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.

Bên cạnh đó, tăng trưởng chậm lại tại Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam – cũng có thể ảnh hưởng đến tổng cầu và triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy vậy, ADB vẫn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng và thúc đẩy cải cách thể chế.
“Việt Nam đang theo đuổi các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng. Nếu những cải cách thể chế được triển khai hiệu quả, điều đó có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước, nâng cao hiệu quả quản lý công và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển bền vững trong trung và dài hạn,” ông Chakraborty nhấn mạnh.

ADB đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu – một trong những “then chốt chính sách” trong bối cảnh các động lực kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển.

“Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam duy trì đà phát triển trong dài hạn. Việc nhận diện chính xác những rào cản và thách thức trong tiến trình này là điều cần thiết,” lãnh đạo ADB nhận định.

Liên quan đến sự chênh lệch giữa dự báo của ADB và mục tiêu tăng trưởng hơn 8% của Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho rằng mục tiêu 8% mang tính định hướng và sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả thực thi chính sách.

“Thời gian còn lại của năm sẽ là giai đoạn then chốt để đánh giá hiệu quả thực hiện. Vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng nếu các biện pháp kích thích được triển khai nhanh chóng và hiệu quả,” ông Hùng nhận định.

Phương Thảo(t/h)