Tại diễn đàn, bám sát chủ đề “Kinh tế dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của khu vực Kinh tế tập thể, Hợp tác xã”, các đại biểu đã tham luận, trình bày về thực trạng, những vấn đề đặt ra trong phát triển ngành thảo dược; các giải pháp bảo tồn và phát triển một số dược liệu quý, tiềm năng ở Việt Nam cũng như chính sách pháp luật về lao động, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, xúc tiến đầu tư thương mại và chế biến dược liệu...
Thông qua diễn đàn, các đại biểu, hợp tác xã, doanh nghiệp được cung cấp những thông tin cần thiết, quảng bá, hợp tác và liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị của các Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, nhất là vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng hợp các vấn đề chính sách, pháp luật để báo cáo Chính phủ, bộ, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã và doanh nghiệp ngành dược liệu.
Trong khuôn khổ của diễn đàn, hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm dược liệu tiêu biểu, hiệu quả cao trong toàn quốc đã tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến thị trường và người tiêu dùng.
Agribank cùng Viện Dược liệu, Viện Phát triển bền vững và Kinh tế số đã hợp tác chiến lược đồng hành cùng bà con nông dân hợp tác xã phát triển các giống gen quý thảo dược, đào tạo kỹ thuật công nghệ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và hỗ trợ vay vốn để mở rộng vùng nguyên liệu, bảo tồn các giống dược liệu quý hiếm của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự; Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Minh Anh(T/h)