Sáng 20/11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được tổ chức thường niên.
Mở cửa thị trường cho nông sản Việt
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch năm 2023 là 53,53 tỷ USD.
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chiến tranh tại nhiều khu vực trên thế giới, giá vật tư đầu vào tăng cao… nhưng do nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển tốt hệ thống thị trường và một số Nghị định thư được ký mới với Trung Quốc nên kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đã đạt mức 51,74 tỷ USD, dự báo sẽ đạt mức trên 62 tỷ USD năm 2024, đây sẽ là năm có kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao nhất từ trước tới nay.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, trên cơ sở những tín hiệu tích cực của ngành Nông nghiệp, nhằm tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu lớn đặt ra về tăng trưởng, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, mở cửa thị trường cho nông sản Việt thông qua nhiều giải pháp, trong đó nhóm các giải pháp tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu và kết nối tiêu thụ - AgroViet 2024 là sự kiện nằm trong nhóm giải pháp đó.
Với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn”, AgroViet 2024 được tổ chức trong 4 ngày từ ngày 20 đến 23/11/2024, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại, tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP, nông đặc sản chất lượng cao của các địa phương trong cả nước. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhiều công nghệ tiên tiến đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga
Theo Ban tổ chức Agroviet 2024, quy mô hội chợ năm nay gồm 256 gian hàng tiêu chuẩn. Để thuận tiện cho khách tham quan giao dịch, gian hàng AgroViet 2024 được phân chia thành 5 khu vực.
Trong đó, trung tâm là khu Triển lãm chung với diện tích 120m2 nhằm quảng bá thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn… Cùng với đó, trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao; sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao cấp quốc gia…
Thứ 2, khu Triển lãm quốc tế máy móc và công nghệ chế biến sau thu hoạch 2024, quy mô 1.000m2. Đây là điểm nhấn tại Hội chợ nhằm trưng bày và giới thiệu những tiến bộ, cải tiến về máy móc và công nghệ chế biến sau thu hoạch đang có sẵn trên thị trường quốc tế; tạo cơ hội giao dịch trực tiếp và xúc tiến hợp tác giữa các nhà cung cấp máy móc, công nghệ và các đối tác tiềm năng.
Đối tượng tham gia: các quốc gia và vùng lãnh thổ (Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Hàn Quốc, Úc, Nga….), tổ chức nước ngoài, công ty liên doanh và các doanh nghiệp trong nước.
Thứ 3, khu gian hàng trong nước gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp với quy mô hơn 100 gian hàng tiêu chuẩn. Khu gian hàng trong nước được phân chia thành 3 phân khu theo nhóm sản phẩu: Sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao (10-20 gian); Giống, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững (20 gian); 70-80 gian hảng địa phương và hiệp hội.
Thứ 4, khu quảng bá giới thiệu các điểm du lịch nông thôn và văn hóa vùng miền với diện tích 72 m2; Thứ 5, khu trình diễn ẩm thực, không gian thử nếm, thưởng thức đồ uống trà, cà phê, quy mô 100 m2 tại 2 điểm trưng bày phía Đông và phía Tây bên trong tòa nhà Triển lãm.
Tính đến thời điểm hiện tại, AgroViet 2024 thu húthơn 100 đơn vị trong và ngoài nước tham gia, tương đương 256 gian hàng tiêu chuẩn. Trong đó, khu gian hàng doanh nghiệp quốc tế 99 gian, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Hàn Quốc, Úc, Nga.
Với khối trong nước, đã nhận được đăng ký tham gia từ các doanh nghiệp, hợp tác xã từ 40 tỉnh, thành trên cả nước. Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, với nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương, điển hình như: Gạo ST25 én vàng, gạo sén cù Lào Cai, mỹ chũ Bắc Giang, gạo tám Điện Biên, vịt quay Hồng Xiêm, thạch đen Chu Hạnh, na Chi Lăng, thịt bò A Lưới, tôm chua Huế, bưởi da xanh Bến Tre, chanh Việt Bắc, nước mắm, hải sản Phan Thiết, bò một nắng Phú Yên, hành tỏi Lý Sơn, dầu dừa Lương Quới...
Trong khuôn khổ hội chợ triển lãm, diễn ra nhiều hoạt động như: Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ; Hội nghị quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình; Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc và lễ ra mắt gian hàng nông sản Việt Nam trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc.
Một điểm nhấn tại AgroViet 2024 là trình diễn văn hoá Mông Cổ tại không gian triển lãm, mừng Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Mông Cổ (15h30 - 20h ngày 21/11).
“Mông Cổ có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ lâu, tiềm năng giao thương nông sản giữa hai quốc gia còn rất lớn. Mông Cổ đang là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi xứ lạnh như thịt cừu, thịt dê, các sản phẩm của thảo nguyên, nấm, dược liệu quý. Trong khi thế mạnh của Việt Nam là trồng trọt. Các doanh nghiệp Mông Cổ mong muốn nhập khẩu lúa gạo và sản phẩm trồng trọt tại Việt Nam, đồng thời muốn xuất khẩu thịt dê, cừu, bò sang Việt Nam”, theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp.
Minh An