THCL Nếu bạn có dịp đặt chân về mảnh đất Sứ Thanh thì không thể không quan tâm đến quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên. Nói đến Am Tiên, người ta liên tưởng ngay dãy núi Nưa nằm trên địa phận xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Nơi đây, nhiều năm qua là tụ điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan.

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 20 km về phía nam, Am Tiên được biết đến như một quần thể di tích đang được lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, kết hợp giữa danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

Trước kia, nơi đây từng là cả một rừng nứa bạt ngàn, có nhiều gỗ quý và động vật quý hiếm. Đã có câu phương ngôn: “Vật rừng Nưa, dưa chợ Bạng”...

Từ xưa, núi Nưa được xem là một vùng gắn với những huyền thoại và giai thoại. Sách Lịch triều hiến chương, sách Truyền kỳ mạn lục đều nhắc đến người tiều phu núi Na. Dân gian thì truyền tụng về ông Tu Nưa, vị thần tạo ra núi Quảy, sông Cày. Có thuyết nói Ngàn Nưa là nơi Bà Triệu dấy binh. Nơi đây, Tống Duy Tân đã đặt cứ điểm chống Pháp và Nguyễn Thượng Hiền cũng về ở ẩn.

Am Tiên - Điểm du xuân lý tưởng - Hình 1

Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia

Theo người dân kể lại, di tích lịch sử Am Tiên gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò đống thóc, Đồng Kỵ…

Đỉnh Am Tiên còn có mạch nước ngầm trong vắt, kỳ lạ thay nước có ở đỉnh núi nhưng lại không bao giờ cạn, mưa to nước không đầy, tạo thành một cái giếng rất tự nhiên nên người dân địa phương gọi là giếng Tiên. Tương truyền Am Tiên từng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực và rèn luyện binh đao. Bởi vậy ngày nay, cứ đến ngày mùng 1 - 20 tháng Giêng, tại Am Tiên dòng người dâng hương tưởng niệm lại đổ về nườm nượp.

Sau nhiều lần khai quật, xác định các di chỉ còn lại và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tháng 3/2009 Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tháng 8/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Nằm trên độ cao 538 m so với mực nước biển, cùng với diện tích hơn 50 km­­­­2, Am Tiên đã được đầu tư làm đường bê tông với 2 làn đường có dài phân cách: dành cho người đi bộ và các phương tiện chạy từ chân núi đến di tích lịch sử nằm trên đỉnh núi. Với việc mở rộng con đường đã giúp cho khách thập phương thuận tiện và dễ dàng có thể di chuyển bằng các phương tiện xe máy, ô tô chạy đến gần khu di tích. Trước kia khách thập phương chỉ có cách duy nhất là đi leo bộ trên con đường mòn khó đi.

Năm 2016, lượng khách đến Am Tiên hơn 11.500 lượt khách… sắp tới quần thể danh lam thắng cảnh Am Tiên sẽ được Tập đoàn Sun Group đầu tư dự kiến khoảng 400 tỷ đồng để xây dựng và tôn tạo”. Qua khảo sát, Tập đoàn Sun Group đánh giá đây là địa điểm có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, giàu tiềm năng để phát triển thành một khu du lịch nổi tiếng của cả nước. Sun Group sẽ đầu tư hoàn chỉnh Khu tâm linh Am Tiên, đường giao thông kết nối từ Khu tâm linh Am Tiên về Khu du lịch Bến En và các khu du lịch vệ tinh như Phủ Na, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ…

Trong quần thể di tích lịch sử được chia làm nhiều khu vực, đặc biệt, ở một bãi đất rộng trên đỉnh núi Nưa có một huyệt đạo thiêng gọi là “huyệt khí quốc gia”. Ở Việt Nam hiện chỉ có 3 huyệt đạo thiêng: Núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội; núi Bà Đen (Tây Ninh) và huyệt đạo ở đỉnh núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa). Đây là nơi giao hòa, đắc địa của trời đất, lãnh đạo nên nhân dân các địa phương thường lên đây thắp hương cầu cho quốc thái dân an, cầu sức khỏe, cầu lộc, cầu tài, cầu tự…

Sau khi thắp hương trong quần thể Am Tiên, vái lạy huyệt đạo, lấy nước ở giếng Tiên, dạo quanh vườn đào, vườn trúc, nhà truyền thống… quý khách đừng quên chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh thủy mặc từ trên đỉnh núi Nưa và cảm nhận không gian thoáng đãng, tươi xuân của vùng đất thiêng Tổ quốc, quý khách sẽ có chuyến du xuân đầu năm đầy ý nghĩa và khó quên.

PV (T/h)