Được biết, hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP.HCM, một số địa phương lân cận có ca nhiễm COVID-19 liên tục gia tăng và ngay các huyện, thành phố trong tỉnh cũng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Để kiểm soát hiệu quả sự lây nhiễm, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo: Mở rộng phạm vi cách ly xã hội đối với TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu và các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ kể từ lúc 0 giờ ngày 15/7/2021 đến hết ngày 25/7/2021.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu ra 7 nhóm biện pháp hạn chế. Cụ thể:
Gia đình cách ly với gia đình, khóm/ ấp cách ly với khóm/ấp... và yêu cầu mọi người ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Bên cạnh đó, dừng hoạt động vận chuyển khách công cộng, các loại hình vui chơi, giải trí, kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ...
Đặc biệt, người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó lưu ý các biện pháp sau:
Thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là mang khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.
Yêu cầu người lao động bắt buộc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc, giao tiếp.
Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động.
Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc (nếu có) bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh vào đơn vị sản xuất, khu cụm công nghiệp.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Giao Chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Thuận Yến – Thùy Linh