Để làng nghề phát triển bền vững cần quan tâm song hành vấn đề về môi trường và ATTP
Sản xuất nhỏ lẻ, tự phát
Việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở SX, chế biến thực phẩm truyền thống đang tồn tại nhiều bất cập. Nguyên nhân chính do các cơ sở SX chủ yếu vẫn hoạt động thủ công, truyền thống, SX nhỏ lẻ, tự phát, trình độ SX hạn chế nên vấn đề ATTP chưa được tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị kiểm tra, thiếu kinh phí… cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Làng nghề truyền thống làm bánh tẻ Phú Thịnh (TX. Sơn Tây), hiện có khoảng 45 hộ SX bánh tẻ. Nhưng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP còn rất hạn chế; SX vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, điều kiện SX còn sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP (kho chứa chưa được sắp xếp, thiếu bảo hộ lao động, chưa có giấy xét nghiệm chất lượng nguồn nước…). Nhiều cơ sở thiếu hồ sơ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu hàng ngày (gạo, mộc nhĩ…).
Làng nghề Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, Thường Tín) - nơi được coi là điểm cung cấp bánh kẹo thủ công lớn của TP với sản lượng hàng tấn mỗi ngày. Cổ Hoàng hiện có 35 hộ dân tham gia SXKD, nhưng qua khảo sát, điều kiện SX rất sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP.
Làng nghề chế biến nông sản xã Hữu Hòa (Thanh Trì) lại "mệt mỏi" ở khía cạnh khác. Hàng ngày, các xe chở nguyên liệu, hàng hóa đều phải chen nhau qua một con đường độc đạo, bề ngang chỉ rộng hơn 2 m khiến việc đi lại luôn ách tắc. Không gian chật chội, người dân đã tận dụng từng mét vuông đất trống để phơi miến, bất kể đó là rãnh thoát nước, nhà văn hóa hay cạnh đường giao thông...
La Phù - “kinh đô” bánh kẹo, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP bởi việc SX tự phát, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nên quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chí về VSATTP, đồng thời rất nhiều cơ sở còn mắc các lỗi như nguyên liệu, phụ gia một số SP không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc xuất xứ, người lao động thiếu giấy chứng nhận sức khỏe; vệ sinh dụng cụ và cơ sở SX chưa bảo đảm…
Còn rất nhiều cơ sở, khu vực SX thực phẩm đặt gần những nơi không đảm bảo vệ sinh; SP được phơi vào phên tre, nứa bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải chưa có nắp đậy, gây ONMT và mất mỹ quan.
Cải thiện điều kiện SX
Vẫn biết rằng, sự phát triển của các làng nghề góp phần làm tăng các giá trị về văn hóa, ẩm thực, du lịch của từng địa phương, cũng như góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các làng nghề, công tác bảo đảm ATTP rất cần được chú trọng. Trong đó, để có thể cải thiện được điều kiện SXKD lại cần tới kinh phí. Đối với hầu hết các địa phương có hoạt động làng nghề, đây thực sự là một khó khăn khá lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, ông Trần Mạnh Giang cho rằng: “Do ngân sách hạn chế, các địa phương cần tập trung nghiên cứu phương thức đầu tư, hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các cơ sở từng bước cải thiện điều kiện SXKD. Lồng ghép các đề án phát triển làng nghề với các dự án phát triển KT-XH của địa phương”.
Theo ông Tạ Văn Trường - PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, các địa phương cần tăng cường thanh kiểm tra, gắn với hậu kiểm, nhất là tại cơ sở SXKD nhỏ lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm dù là nhỏ nhất. Bởi chỉ có như vậy mới tạo sức răn đe, chế tài đủ mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực SXKD thực phẩm không an toàn.
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về kỹ thuật, biện pháp xử lý chất thải, xây dựng CCN, làng nghề tập trung để đưa hộ SX ra khỏi khu dân cư...
Phan Chinh - Hoàng An