Theo giáo sư Võ Đại Lược, một là tăng trưởng kinh tế rất cao, khi GDP đạt 7,02%, "đây là mức tăng trưởng hiếm có nhất là khi chúng ta so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới", giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Theo đó, các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc luôn luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng năm nay chỉ đạt 6%; Châu Âu đạt trên dưới 2%, Nhật Bản đạt 1%, đặc biệt Hoa Kỳ cũng chỉ đạt 2%.
“Trong bối cảnh đó, GDP của Việt Nam đạt tới 7,02% - được xem như hàng đầu thế giới", giáo sư Võ Đại Lược nói.
Phiên đối thoại kinh tế Việt Nam giữa các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam sáng ngày 29/12/2019
Thứ hai, theo giáo sư Võ Đại Lược, Việt Nam không chỉ có mức tăng trưởng cao, mà chỉ số lạm phát rất thấp, chỉ 2,7%, thấp hơn năm ngoái 4%. Chỉ số này nói lên rằng, chúng ta tăng trưởng không phải bằng tiền, trong khi nhiều quốc gia hiện nay, muốn kích thích tăng trưởng đều phải dùng tiền để gia tăng tín dụng, gia tăng đầu tư công.
Bàn luận về bức tranh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, kinh tế vĩ mô rất ổn định thể hiện ở hàng loạt các chỉ số, như lạm phát thấp, kim ngạch thặng dư về cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách giảm, tăng trưởng về tín dụng có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối gia tăng. Như vậy, không chỉ giữ ổn định kinh tế vĩ mô mà sức chống chịu của nền kinh tế cũng được cải thiện.
"Những thành tích này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, đặc biệt là tác động không thuận của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng với đó tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm sút vào năm 2019.
Điểm sáng nữa, đó là nhờ những cải cách kinh tế thể chế và điều kiện kinh doanh. Việt Nam tăng thêm 10 bậc đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính những điều này tạo thêm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho hay,
Theo tiến sĩ Cung, trong năm vừa rồi, kinh tế tư nhân trong nước gia tăng với tốc độ cao về xuất khẩu và đầu tư, cao hơn nhiều so với đầu tư nước ngoài, trở thành động lực tăng trưởng cho năm 2019 và những năm tiếp theo. "Khi kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng như vậy, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn, người dân được hưởng nhiều hơn, bền vững, công bằng hơn về sự tăng trưởng này".
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Dẫn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỉ USD, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định, người dân được hưởng lợi đầu tiên.
Hưởng lợi thứ nhất, đó là giá cả ổn định. Thứ hai, khi tăng trưởng cao, công ăn việc làm sẽ nhiều hơn, người dân thu nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Cung cũng lưu ý, việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. “Thời gian gần đây, chúng ta thấy chất lượng môi trường sống ở Hà Nội và TPHCM kém hơn trước, chúng ta nên nhìn lại”.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, chúng ta đạt được mức kỷ lục về xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD song đó là mặt được của vấn đề, bởi đằng sau con số này đó chính là sự cố hữu về độ mở lớn của nền kinh tế.
"Độ mở lớn, đồng nghĩa với độ rủi ro sẽ cao, tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế cũng từ đó mà gia tăng", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định.
Thanh Trang