Ngày 02/06, tại Hội thảo “IFRS 9: Những tác động hậu Covid-19 & kinh nghiệm triển khai tại ngân hàng Việt Nam", các chuyên gia của Công ty PwC Việt Nam cho rằng, qua trao đổi, các ngân hàng đều mong muốn áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) 9, nhưng trong quá trình xây dựng hệ thống IFRS cũng có không ít thách thức như: quá trình chuyển ngữ; nguồn nhân lực; cơ sở dữ liệu và trình độ công nghệ thông tin…
Theo các chuyên gia, với IRFS 9, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, nhờ vậy việc quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.
Ông Mai Trần Bảo Anh, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn kế toán, PwC Việt Nam cho rằng, IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế. Vì vậy, IFRS 9 là cơ hội để nâng cao hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng.
Từ lợi ích của IFRS 9, một số ngân hàng tại Việt Nam đã chủ động triển khai và áp dụng thành công từ rất sớm như VPBank, VIB và Techcombank. Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đang triển khai dự án như Vietcombank khởi động dự án triển khai IFRS 9 từ cuối năm 2020 và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm từ VPBank trong việc phát triển công cụ tính toán ECL, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản trị rủi ro tích hợp, Khối Quản trị rủi ro, VPBank cho biết, lợi ích mang lại của IFRS 9 với ngân hàng là rất lớn, có thể đến như: tiết kiệm đáng kể chi phí, tăng hiệu quả công việc; tích hợp với kiến trúc sẵn có giúp đảm bảo dữ liệu nhất quán trong ngân hàng…
Trong khi đó, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB chia sẻ, ngân hàng đã có được nhiều lợi ích lớn cho việc tiên phong áp dụng sớm và đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu.
Tuy nhiên, một chuyên gia cũng nhìn nhận trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã cho thấy những tác động to lớn đến chuỗi giá trị toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng tới tình hình hoạt động phát triển của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Do đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai IFRS 9 của ngân hàng.
Là một trong những đơn vị triển khai chuyển đổi báo cáo tài chính IFRS 9 cho ngân hàng tại Việt Nam, bà Bùi Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Tài chính và Ngân hàng, PwC Việt Nam cho biết, các ngân hàng còn phải phải đối diện với việc lợi nhuận bị ảnh hưởng do dự phòng tăng lên. Dữ liệu phục vụ dự án lớn, phân mảng do các phòng ban, chi nhánh và công ty con quản lý. Kiểm toán độc lập không tham gia dự án sớm gây gián đoạn dự án...
Từ thực tiễn đó, bà Thủy rút ra được một số kinh nghiệm cho các ngân hàng tại Việt Nam khi triển khai IFRS 9. Đó là điều chỉnh chiến lược kinh doanh/chính sách tín dụng để phòng ngừa ảnh hưởng từ giảm sát chất lượng tín dụng; đào tạo nhân thức, làm rõ vai trò trách nhiệm các bên liên quan xuyên suốt dự án và sau dự án; các dữ liệu cần được chuẩn bị trước khi thực hiện dự án; dữ liệu kinh tế vĩ mô được yêu cầu hằng năm về việc dự báo tới đội ngũ chuyên gia kinh tế của ngân hàng. Đồng thời, lựa chọn và đưa kiểm toán độc lập tham gia sớm vào dự án nhằm tiết kiệm thời gian, thống nhất kết quả của dự án.
Trong khi đó, với kinh nghiệm triển khai tại đơn vị, đại diện Techcombank cho rằng, để triển khai và áp dụng thành công IFRS 9, các tổ chức tín dụng cần xác định được phạm vi và thời gian áp dụng.
Việc áp dụng IFRS 9 không chỉ là câu chuyện về chuẩn mực kế toán mà còn là câu chuyện của nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng, nên cần sự tham gia của tất cả các bộ phận trong ngân hàng như: kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro… Đồng thời, các ngân hàng cần đẩy nhanh quá trình áp dụng IFRS 9, nếu chậm thì sẽ khó có thể ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời trước những tác động lên báo cáo tài chính, hệ thống, quy trình và các hoạt động kiểm soát.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Kế toán nhấn mạnh: “Để giúp các tổ chức tín dụng triển khai thành công IFRS 9, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện bản chuẩn mực áp dụng cho thị trường Việt Nam về mặt chuyển ngữ. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) để có các hướng dẫn cần thiết. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan, đặc biệt là về cơ chế tài chính để nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng khi triển khai IFRS 9”.
H.T (t/h)