Theo đó, 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm:
Thứ nhất, địa điểm đóng quân của Cục Quân khí (1951-1954) tại xã Lam Vỹ. Trong 04 năm đóng quân tại đây, Cục Quân khí đã tham mưu cho Tổng cục Cung cấp, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng và ngành Quân khí toàn quân bảo đảm quân khí cho các Chiến dịch: Chiến dịch Đông Xuân (1951 -1952), Chiến dịch Thu - Đông (1952), Chiến dịch Thượng Lào (Xuân - Hè 1953), Chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng trong thời gian này, Cục Quân khí đã triển khai xây dựng hệ thống kho Quân khí các cấp, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cung cấp một khối lượng lớn sản phẩm vũ khí, khí tài, đạn dược cho lực lượng vũ trang nhân dân trên các chiến trường.
Thứ hai, địa điểm thành lập và đóng quân của Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (1951-1953) tại xã Phượng Tiến. Tháng 7/1951, Tổng quân uỷ đã ra Quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 28/8/1951, khoá học đầu tiên (khoá I) của Nhà trường chính thức khai mạc tại bản Nà Lang, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
Từ ngày thành lập đến năm 1954, nhà trường được chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và huấn thị 3 lần (25/10/1951; 3/1952 và 5/1953. Để ghi nhớ công ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện lần đầu ông về thăm Học viện, thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định lấy ngày 25/10/1951 là ngày truyền thống Học viện Chính trị.
Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử, 2 di tích trên xứng đáng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Các di tích được xếp hạng là cơ sở pháp lý nhằm phục vụ cho việc lập quy hoạch, dự án bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Hoàng Thiệp