Tình huống thứ nhất là chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học
Theo Bộ tình huống này, công việc cần thực hiện là tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành Giáo dục. Chỉ đạo các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong trường học tại địa phương; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện về UBND tỉnh và về Bộ GD&ĐT.
Học sinh đeo khẩu trang ngay cả trong lớp học
Tình huống thứ hai xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào trường học
Ở tình huống này, Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành Giáo dục họp hàng tuần và đột xuất phối hợp tích cực với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới virus Corona gây ra.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Với tình huống dịch bệnh lây lan trong trường học
Bộ GD&ĐT yêu cầu Ban Chỉ đạo ngoài theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên cần phối hợp với ngành Y tế khoanh vùng ổ dịch và cho học sinh, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục có ổ dịch; giám sát các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới virus Corona gây ra trong trường học,...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan hay giấu thông tin về dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng tránh gây hoang mang không cần thiết cho các cơ sở giáo dục.
Hằng Vương