Phân nửa người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi
Gần đây, Bộ Công an đã đưa ra báo cáo về tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến rất phức tạp, nổi bật lên là xu hướng trẻ hóa độ tuổi người sử dụng chất ma túy. Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, trong đó khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Cá biệt, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Nếu dạo qua các cổng trường học giờ cao điểm, không khó để bắt gặp tình trạng học sinh vô tư mua bán, trao đổi shisha, uống "nước vui", dùng "bùa lưỡi", "khô gà",... mà thực chất bản thân các em cũng không nắm rõ đó là chất gì. Chính vì ma túy được “ngụy trang” dưới các hình thức phức tạp như vậy mà học sinh, sinh viên, thầy cô và gia đình các em rất khó phát hiện, từ đó ma túy cứ dần dần quay trở lại xâm nhập vào trường học.
Không chỉ sử dụng, điều đáng buồn là dần dần chính học sinh, sinh viên bị lôi kéo thành những kẻ bán ma túy. Cuối tháng 8 năm 2020, Công an thành phố Ninh Bình phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo khi 2 học sinh này đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình). Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa; tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g.
Đáng lưu tâm là qua quá trình đấu tranh, hai học sinh này khai nhận số ma túy trên là do mua trên mạng Facebook về chia ra bán lại chủ yếu cho học sinh cùng trường để kiếm lời. Ma túy xâm nhập vào trường học không còn là chuyện mới lạ nhưng việc học sinh còn quá trẻ đã tham gia bán ma túy là sự việc đáng báo động. Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, một trong những lý do khiến tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua chính học sinh, sinh viên. Lực lượng công an đang căng mình tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước xâm nhập vào nhà trường, cùng kết hợp với ngành GD&ĐT để ngăn chặn ma túy học đường.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo nóng
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy học đường, cùng với lực lượng công an, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo nóng các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường.
Ngoài thực hiện công tác tuyên truyền, Bộ GD&ĐT còn tổ chức ký cam kết trong cán bộ, giáo viên và học sinh không vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy; vận động học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép; tiếp nhận, xử lý thông tin của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động và nhân dân có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy của nhà trường.
Theo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), ngành giáo dục cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống thu nhận thông tin, thống kê, phân nhóm đối tượng trong toàn ngành về học sinh phổ thông liên quan hoặc có nguy cơ liên quan đến vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.
Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin với các cơ quan, ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để hoạch định chính sách, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy và bạo lực học đường.
Đặc biệt, ngày 10/5/2021, Bộ GD&ĐT đã tạo ban hành văn bản về việc "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…
Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, đặc biệt là triển khai phát hành bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh, nghiên cứu bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh.
Trang Nguyễn