Ông Võ Đông Giang (thứ 2 từ phải sang trái) trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi làm việc sáng ngày 27/5/2020 (Ảnh: PV)
Tham dự buổi làm việc với phóng viên, có ông Bùi Văn Mỹ (Phó Văn phòng huyện Châu Đức); ông Võ Đông Giang (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Đức), cùng một số cán bộ phòng ban chức năng huyện. Ông Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức) không có mặt vì lý do công việc.
Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi xung quanh 3 vấn đề chính: Một là, vì sao đến nay đã hơn 2 năm mà UBND huyện Châu Đức chưa thực hiện việc chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho người dân? Hai là, có hay không việc đơn vị thi công dùng máy ủi, san ủi, phá hết dây sương sâm của gia đình ông Đà và ông Thành khi chưa chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho họ? Nếu đơn vị thi công có san ủi thì việc làm này là đúng hay sai? Ai là người chịu trách nhiệm? Ba là, có hay không việc ông Võ Đông Giang (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Đức) “dụ” ông Thành ký vào đơn “đề nghị nhận tiền đất” do ông Giang viết sẵn, sau đó giữ luôn đơn và không chi trả tiền bồi thường cho ông Thành?
Các thành viên tại buổi làm việc (Ảnh: PV)
Trả lời các câu hỏi trên, đại diện chủ đầu tư và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Châu Đức, ông Võ Đông Giang cho biết: “Thứ nhất, lý do dẫn đến việc chậm chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho người dân là do cơ chế chính sách (?!). Công trình đường Bình Ba – Bình Trung được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số: 1689/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 và ngày 23/5/2018 UBND huyện Châu Đức ban hành thông báo thu hồi đất số 341/TB. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hầu hết các hộ dân trên trục đường này, chỉ còn lại 2 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường do có một số khó khăn vướng mắc: Trong quá trình thực hiện kiểm kê tài sản và vật kiến trúc trên phạm vi đất thu hồi xây dựng công trình đường Bình Ba – Bình Trung có 2 hộ là ông Đào Văn Đà và ông Nguyễn Quốc Thành trồng cây Sương Sâm, trong đó hộ ông Đào Văn Đà có diện tích thu hồi là 663,2m2 /57.958 cây. Tổng số cây Sương Sâm của 2 hộ là 324.830 cây/3.656,2 m2 diện tích đất bị thu hồi.
Theo quyết định số 66/2014/ QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh thì cây sương sâm không quy định mật độ, vì vậy nếu áp giá để tính bồi thường là 10.200 đồng/cây thì số tiền bồi thường cho 324.830 cây sẽ là 3.313.266.000 đồng (chưa kể phần mái che). Việc không quy định mật độ trồng dây Sương Sâm trong quyết định 66/2014/ QĐ-UBND của UBND tỉnh, UBND huyện cho rằng sẽ dẫn đến bất hợp lý trong việc chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho người dân vì hiện tại giá bồi thường cho 1000 m2 đất trồng cây tiêu loại A (là loại có giá trị nhất chỉ có 150.000.000 đồng và đầu tư 1000 m2 đất làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Nhà màng, hệ thống tưới, các trang thiết bị khác cũng chỉ hết khoảng 350.000.000 đồng. Chính vì vậy ngày 13/9/2018, UBND huyện Châu Đức đã có văn bản số 2815/UBND-NN kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại quy định mật độ trồng đối với cây sương sâm và với chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, ngày 25/10/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có văn bản số 3040/SNN-PCTT kiến nghị UBND tỉnh cho phép UBND huyện Châu Đức căn cứ mật độ trồng cây sương sâm là 13.000 gốc (cây)/1000 m2 để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất…”
Thứ hai, trả lời câu hỏi có hay không việc đơn vị thi công dùng máy ủi, san ủi, phá hết dây sương sâm của gia đình ông Đà và ông Thành khi chưa chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho họ? ông Giang cho biết là do đơn vị thi công tự ý san ủi, chủ đầu tư không biết và không chịu trách nhiệm (?!)
Thứ ba trả lời câu hỏi có hay không việc ông Võ Đông Giang (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Đức) “dụ” ông Thành ký vào đơn “đề nghị nhận tiền đất” do ông Giang viết sẵn, sau đó giữ luôn đơn đề nghị và không chi trả tiền bồi thường cho ông Thành?! Vấn đề này ông Giang đề nghị sẽ gặp ông Thành để đối chất và giải quyết sau.
Ông Đào Văn Đà chỉ vị trí đất bị đơn vị thi công san ủi khi chưa được bồi thường tiền đất và hoa màu (Ảnh: PV)
Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp trực tiếp người dân thì sự việc lại hoàn toàn khác. Ông Đào Văn Đà, sinh sống tại thôn I, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bức xúc phản ánh: “Các ông ấy cho máy ủi đến san ủi vườn cây sương sâm của gia đình tôi, nhưng tôi ra cản lại, không cho họ phá. Thế nhưng lừa lúc buổi trưa tôi về nhà ăn cơm trưa, các ông ấy cho máy ủi phá hết sạch vườn sương sâm hơn 663 m2 của gia đình tôi. Thử hỏi, nếu chủ đầu tư là UBND huyện Châu Đức không “bật đèn xanh” thì làm sao đơn vị thi công dám làm (?!) Tại sao tôi lại không được khiếu nại khi mà quyền lợi của gia đình tôi bị xâm phạm, cuộc sống của chúng tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn…(?!)”
Theo sự chỉ dẫn của ông Đào Văn Đà, phóng viên tìm gặp ông Nguyễn Quốc Thành (trú tại tổ 8, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) để xác minh làm rõ. Theo biên bản kiểm kê thì diện tích đất trồng dây sương sâm của ông Thành có chiều cao dao động từ 10-20cm và được trồng dưới dạng mái lưới che giảm nhiệt độ ánh sáng. Xung quanh được rào lưới B40. Quy cách trồng là: Số lượng hàng 60 hàng nhân với chiều dài mỗi hàng là 137,5m, nhân với bình quân 1m là 50- 51 dây sương sâm”.
Cũng như ông Đà, ông Thành bức xúc phản ánh: “Tại sao các hộ trồng dây sương sâm khác, huyện áp giá bồi thường theo quyết định 66/2014/QĐ-UBND, còn tôi lại tính giá khác?! Tại sao UBND tỉnh nhiều lần có công văn đôn đốc đề nghị UBND huyện giải quyết bồi thường cho tôi mà các ông ở huyện vẫn phớt lờ, không giải quyết? Phải chăng các ông ấy thấy diện tích lớn, số tiền bồi thường lớn, nên không muốn chi trả, nhưng lại không nghĩ đến mồ hôi, công sức của dân khi họ bỏ ra số tiền đầu tư ban đầu cho cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… lớn gấp nhiều lần như thế, nay bỗng dưng bị mất mà không được đền bù xứng đáng.
Khi không thuyết phục được tôi nhận tiền đất, các ông ấy cho đơn vị thi công dùng máy ủi, san ủi, phá hết toàn bộ vườn sương sâm hơn 2.432 m2 của gia đình chúng tôi, trong khi chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường đất và hoa màu cho gia đình chúng tôi.
Ông Thành cho biết thêm: “Tệ hại hơn nữa là ngày 30 tháng 12 năm 2019 ông Võ Đông Giang (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Đức - Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện) gọi điện thoại cho tôi lên nhận tiền đất. Nhưng khi tôi lên thì ông Giang đã làm sẵn “đơn đề nghị nhận tiền đất” cho tôi và yêu cầu tôi ký vào, trong đơn ghi rõ: “Gia đình tôi bị nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đường Bình Ba- Bình Trung. Hiện nay do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình tôi kính mong các cấp xem xét giải quyết cho tạm ứng trước số tiền bồi thường…”. Ông Giang hứa này hứa nọ, dụ tôi ký vào đơn xong rồi quên luôn, không chi trả. Vậy tôi xin hỏi, số tiền bồi thường trong đơn đề nghị mà ông Giang lừa tôi ký vào đó đã được rút ra chưa? Nó đã được sử dụng vào việc gì? “
Khi phóng viên đặt câu hỏi với ông Thành: “Có hay không việc người dân trồng cây sương sâm mật độ dày hơn quy chuẩn để hưởng lợi từ chính sách đền bù của nhà nước?! Thì ông Thành bày tỏ thái độ bất bình nói: “Gia đình tôi trồng dây sương sâm vào tháng 4/2018 (trước ngày UBND huyện Châu Đức ban hành thông báo chủ trương thu hồi đất) thì sao có thể nói tôi trồng dày để hưởng lợi?! Chúng tôi trồng theo kinh nghiệm, không phải là kỹ sư nông nghiệp để có kiến thức trồng theo quy chuẩn…Nếu họ để cho dân “trục lợi” thì chẳng hóa ra họ đã thừa nhận rằng, công tác quản lý của chính quyền địa phương là quá kém hay sao, vì người dân làm sao biết trước được vị trí cắm mốc đất thu hồi?!
Theo Luật sư Phạm Hùng (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thì “Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất” và “Thời gian chi trả tiền bồi thường sau khi nhận quyết định thu hồi đất” được quy định tại "Điều 74 và Điều 93”- Luật đất đai năm 2013 như sau: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật….(điều 74)" và trong Điều 93 quy định rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc chi trả chi phí bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất thu hồi. Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế, tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. Như vậy, ngoài tiền bồi thường, người dân còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế, tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả. Và căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2016/NĐ-CP thì tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp…”.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc sáng ngày 27/5/2020 ông Võ Đông Giang (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Đức) cho biết, huyện chưa ra quyết định thu hồi đất, nên chưa thể áp dụng điều 93- Luật đất đai năm 2013.
Ông Dương Văn Hạnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: “Trường hợp của ông Đào Văn Đà, vì là người dân tộc Châu Ro nên Ban Dân tộc tỉnh đã 2 lần có văn bản số 47 và số 361 kiến nghị UBND huyện Châu Đức xem xét, giải quyết bồi thường tiền đất và hoa màu cho hộ gia đình ông Đà để gia đình ông sớm ổn định cuộc sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh và UBND huyện Châu Đức quan tâm giải quyết vì thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang được UBND tỉnh rất quan tâm…”
Đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được với đơn vị thi công. Vậy, đơn vị thi công là đơn vị nào, họ có đủ điều kiện, hồ sơ pháp lý để nhận thầu thi công công trình này không, cũng như một số vấn đề chưa được đề cập đến trong bài viết này, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc trong thời gian sớm nhất./.
PV