Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, số lượng lao động qua đào tạo có thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, qua đó tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động CN - TTCN tại địa phương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Công Thương, giai đoạn 2014-2020, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 285 người, số lao động đào tạo trung cấp nghề cơ khí phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ là 480 người, trong đó 450 người có việc làm sau khi đào tạo; tập huấn nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 344 người là cán bộ quản lý tại các cơ sở/ doanh nghiệp, cán bộ quản lý Nhà nước; 718 người được đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; 50 người được đào tạo khởi sự doanh nghiệp; xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới từ nguồn khuyến công Quốc gia và địa phương thu hút 24,7 tỷ đồng vốn đầu tư đối ứng của doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương bình quân đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ 113 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất sản phẩm trong các ngành chế biến nông, lâm thủy sản - sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm cơ khí và sản xuất TTCN khác.

Đặc biệt, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tăng về số lượng cũng như chất lượng với 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 112 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 39 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia; Hỗ trợ gần 260 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu thành tựu công nghiệp của tỉnh, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Về hợp tác quốc tế, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương phối hợp với phòng công nghiệp và thương mại thành phố Sanjo (SCCI) đã tổ chức các khóa tập huấn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tại thành phố Sanjo đào tạo hơn 80 lượt công chức, viên chức nâng cao năng lực xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, bao gồm cả nâng cao năng lực triển khai hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn;

Để hoạt động khuyến công ngày càng thiết thực hiệu quả, trong giai đoạn tới, chương trình sẽ hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, ngành nghề, sản phẩm có tìềm năng phát triển; Tăng cường công tác tuyền truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạch định, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, hỗ trợ cơ sở CNNT nói riêng phù hợp thông lệ quốc tế.

H.T