Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn biến rất phức tạp. Vi phạm xảy ra nhiều nhất vẫn là các mặt hàng thuốc lá và xăng dầu. Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 63 vụ vi phạm kinh doanh hàng cấm, hàng lậu.
Trong đó, có 43 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm thuốc lá điếu nhập lậu và đồ chơi trẻ em; 20 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu ước tính hơn 1.184 000 000 đồng. Tổng số tiền xử lý hành chính 3.181.770.000 đồng. Trong đó, phạt tiền 1.996.700.000 đồng, truy thu số lợi bất hợp pháp 529.000 đồng.
Cũng trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tham gia phối hợp với các Đoàn Liên ngành kiểm tra 3.083 cơ sở, phát hiện 155 trường hợp vi phạm, đã xử lý phạt tiền 334.600.000 đồng.
Cụ thể về lĩnh vực đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa: Đoàn đã tiến hành kiểm tra 250 cơ sở, lập biên bản nhắc nhở 03 cơ sở buộc phải thực hiện kiểm định phương tiện đo lường. Kiểm tra và phát hiện 03 cơ sở kinh doanh mắt kính có máy đo tiêu cự chưa thực hiện kiểm định, 01 cơ sở kinh doanh hải sản sử dụng cân lò xo hết hạn kiểm định.
Ngoài ra, đoàn tiến hành kiểm tra 556 cơ sở, phát hiện 18 cơ sở vi phạm. Phạt tiền 5 cơ sở với tổng số tiền phạt là 88.600.000 đồng. Tịch thu 200 kg đường, 24 kg long nhãn, 21 kg táo khô, 10 kg nho khô, 50 kg đậu phụng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 132 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại; tiêu hủy tại chỗ tổng cộng 6,6 kg mì vàng có chứa hàn the; 14,04kg bột ngọt giả nhãn hiệu ajinomoto.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm và giết mổ gia súc, gia cầm: toàn tỉnh đã kiểm tra 1.381 vụ, phát hiện 99 cơ sở vi phạm. Phạt tiền 26 vụ với tổng số tiền phạt 35.500.000 đồng. Tiêu hủy tại chỗ 82,1 kg cá khoai; 36,5kg chả các loại; 54 cây chả lụa loại nhỏ (loại 5.000 đồng/01 cây); 2,5 kg mực ống, 01 kg tôm, 18.55 kg mì tươi sợi, 14,4kg củ kiệu, 12,820kg cà pháo và 9,850kg tàu hủ có chứa chất hàn the, formol, phèn the; 19 sản phẩm bánh trung thu không có phần nội dung ngày tháng số công bố hoặc có nhưng từ năm 2009; 14 chai nước ngọt, 02 chai siro quá hạn sử dụng; 12.5 chai rượu chứa methanol.
Cũng về mặt hàng rượu, đoàn đã kiểm tra 227 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra tại chỗ nồng độ methanol 227 mẫu, phát hiện 03 trường hợp kinh doanh rượu có nồng độ Methanol vượt mức cho phép, Đoàn đã tiêu hủy tại chỗ tổng cộng 189 lít rượu, đồng thời tiến hành nhắc nhở hướng dẫn các cơ sở này làm các thủ tục giấy tờ liên quan theo qui định của nhà nước.
Về lĩnh vực y tế, mỹ phẩm, dược phẩm, đoàn kiểm tra 192 cơ sở, phát hiện 15 vụ vi phạm. xử phạt 9 vụ với tổng tiền phạt 25.500.000 đồng. Đáng chú ý là về lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc BVTV nông nghiệp, đoàn đã tiến hành kiểm tra 102 vụ, phát hiện 05 cơ sở vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Xử phạt 3 vụ với tổng số tiền phạt là 11.000.000 đồng.
“Nóng” nhất vẫn là tình hình mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đầu năm đến nay các vụ buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa bàn khác nhau, đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức, khiến các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn khi phát hiện, bắt giữ và xử lý.
Trong số hàng chục vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu bị lực lượng chức năng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện, bắt giữ, đáng chú ý là một số vụ như:
Ngày 30/3/2017, Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra hành chính tàu SG 7014 do ông Nguyễn Hoàng Phương, trú tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh làm Thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu SG 7014 đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO chuẩn bị cấp cho tàu KATUN. Qua kiểm tra tàu SG 7014 của Công ty TNHH Động Lực, các chiến sỹ Biên phòng phát hiện tàu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014 của Chính phủ.
Sau đó đúng 1 ngày, vào ngày 1/4/2017, Trạm Kiểm soát BPCK cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiểm tra tàu Phú Quý 16, số đăng ký BTh 97686 TS do ông Huỳnh Văn Thanh, trú tại tỉnh Bình Thuận làm Thuyền trưởng đang neo đậu tại cảng PETTEC, Cái Mép. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO.
Tại thời điểm kiểm tra, Thuyền trưởng Huỳnh Văn Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Năm 2017, chỉ tính riêng BPCK cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 5 vụ với 5 đối tượng, tang vật thu giữ 178.000 lít dầu, 3.008 tấn Apatit.
Ngày 7/8/2017, Hải đoàn Biên phòng 18 (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phát hiện tàu BV 0456 vận chuyển 40 nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Khi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Mười (SN 1951, trú tại phường 12, TP. Vũng Tàu, quản lý tàu) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Trước đó, ngày 5/8, tại vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 60 hải lý, lực lượng chức năng phát hiện tàu BT 99827 (tàu cá cải hoán), do ông Lê Hữu Hùng (SN 1969, trú thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang vận chuyển khoảng 60 nghìn lít dầu DO, nhưng thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc; 3 thuyền viên trên tàu không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; tàu không có đăng kiểm, đăng ký theo quy định.
Gần đây nhất là tối 13/12/2017, đồn biên phòng Côn Đảo và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện hai tàu cá mang số hiệu tỉnh Bến Tre vận chuyển 64.000 lít dầu DO. Chủ tàu không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng trên.
Không chỉ các tàu cá của Việt Nam vận chuyển, buôn bán xăng dầu không có nguồn gốc mà có cả sự tham gia của tàu mang quốc tịch nước ngoài. Tháng 6/2017, tại khu vực Biển tây nam Côn Đảo (cách Vũng Tàu hơn 300 hải lý), tàu CSB 3002 - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 phát hiện tàu chở dầu Princes Sofea (quốc tịch Malaysia) đang neo đậu và có dấu hiệu bán dầu cho một tàu cá của Việt Nam.
Thuyền trưởng Mohammed Kaium Hossain (45 tuổi, quốc tịch Bangladesh) khai nhận tàu mình neo đậu ở khu vực trên là để bán dầu cho các tàu cá Việt Nam. Cũng khoảng thời gian này, ở biển phía tây bãi cạn Đông Sơn (cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý), Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu dầu Norwattana (quốc tịch Thái Lan) đang neo đậu và có một tàu cá đang cập mạn. Tàu này chở khoảng 100.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Hầu hết các phương tiện chở xăng dầu lậu đều trang bị ra-đa, định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi phát hiện thấy lực lượng chức năng. Trong đó, các đối tượng sử dụng nhiều “chiêu trò” đối phó như khi giao nhận hàng có thể thả neo, cặp mạn để bơm dầu hoặc vừa chạy chậm vừa bơm xăng dầu, khi phát hiện nghi vấn liền rút ống bơm rồi tăng tốc chạy trốn. Mặt khác, các đối tượng liên hệ với nhau bằng sim rác, thường xuyên giao nhận hàng vào ban đêm. Đặc biệt, các tàu cá mua dầu của tàu nước ngoài trên biển về bán lại thì lực lượng chức năng càng khó phát hiện.
Nguyên nhân khiến nạn mua bán dầu lậu trên biển là do chênh lệch giữa giá dầu trong nước và nước ngoài quá lớn. Cho nên, giải pháp căn cơ nhất để chống buôn lậu dầu là nhà nước nên điều chỉnh giá dầu tiệm cận với giá dầu trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cần phải xem xét xử lý hình sự cả người bán lẫn người mua dầu lậu mới đủ sức răn đe.
Thời điểm cuối năm cận Tết, mức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng tăng cường hoạt động. Để ngăn chặn tình trạng này, công tác chống gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được siết chặt.
Nguyễn Thị Lệ Quyên