Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Bà Rịa Vũng Tàu: Phát triển nghề làm đá

Nằm dọc theo quốc lộ 51 và sông Thị Vải, cách thành phố Hồ Chí Minh 65 km, thuộc địa bàn 2 xã Tân Phước và Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT, nghề làm đá - một trong 4 làng nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương.

Bà Rịa Vũng Tàu: Phát triển nghề làm đá - Hình 1

Nghề làm đá được hình thành từ những năm 1976, nhưng phải đến đầu thập niên 90 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp. Trong phạm vi bán kính 5 km dọc quốc lộ 51 đã có tới 32 cơ sở khai thác sản xuất đá xây dựng, chế biến đá ốp lát, đá chẻ lớn nhỏ... tạo nên một thị trường sản xuất, tiêu thụ đá sôi động.

Một số doanh nghiệp lớn như Công ty đá Phước Hòa FICO, Công ty đá Hoàng Long, Công ty CP đá Thanh Tâm, Công ty đá Thuận Lập, Công ty đá Quang Huy... có quy mô lớn, dây chuyền sản xuất hiện đại. Chỉ tính riêng Công ty đá Phước Hòa FICO với 7 dây chuyền nghiền sàng hiện đại công suất 450 tấn /giờ, mỗi năm khai thác 1 triệu m3 đá, bình quân mỗi tháng có thể sản xuất ổn định từ 60.000 – 65.000 tấn sản phẩm đá các loại, trong đó có đá mi bột (còn gọi là bột tràng thạch), chiếm lĩnh gần 30% thị phần trong nước và xuất khẩu. Tại đây hiện có 20 doanh nghiệp có giấy phép đăng ký khai thác đá xây dựng. Tổng công suất khai thác đá xây dựng theo thiết kế đạt 7 triệu  m3/năm, sản lượng bình quân đạt trên 3 triệu m3. Các cơ sở khai thác đá xây dựng (đá 1x2, đá 4x6…) phần lớn có công suất đăng ký từ 100.000 m3/năm đến 1.000.000 m3/năm, một số ít cơ sở khai thác có công suất nhỏ từ 8.000 – 20.000 m3/năm.

Bà Rịa Vũng Tàu: Phát triển nghề làm đá - Hình 2

Sản phẩm đá được đánh giá có chất lượng tốt bao gồm các loại đá dăm rải đường, làm cốt liệu cho bê tông nhựa và cốt liệu cho bê tông xây dựng. Công nghệ khai thác chủ yếu vẫn là nổ mìn tách thành các khối đá, sau đó sử dụng các thiết bị cơ giới để vận chuyển và pha, chẻ đá. Dây chuyền thiết bị chế biến đá đã được các doanh nghiệp đầu tư hệ thống nghiền sàng với công suất 450-500 tấn/giờ.

Các doanh nghiệp chế biến đá ốp lát, đá tẩy, đá chẻ, chủ yếu sử dụng công nghệ cưa đĩa chùm, cưa đĩa tròn có kích thước từ 900 – 3.500 mm, hệ thống máy đánh bóng tự động nhiều đầu mài, dùng tia nước. Dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nước Ý, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, mức độ cơ giới hóa đạt 90%. Sản phẩm đá ốp lát chỉ phục vụ một phần nhỏ nhu cầu trong tỉnh, còn lại được cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh trên phạm vi cả nước, chủ yếu là thị trường các tỉnh phía Nam và xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường nội tỉnh tiêu thụ vẫn là đá tẩy, đá chẻ. Một năm, tính bình quân các  cơ sở sản xuất đá chẻ được cấp phép tại đây đã đạt tổng công suất 149.500 m3. 

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Thành, trên địa bàn huyện hiện có 16 mỏ đá xây dựng với trữ lượng hơn 69 triệu m3 . Bình quân mỗi năm toàn huyện khai thác được hơn 3 triệu m3  đá các loại, trong đó khoảng 20% được xuất khẩu theo kiểu đá tẩy, đá lót hay các sản phẩm dân dụng, mỹ thuật bằng đá. Còn lại chủ yếu vẫn là đá xây dựng, chiếm 80% sản lượng đá các mỏ, như đá 1x2, đá 4x6, đá cấp phối, đá mi bột, đá hộc, đá khối v.v…

Đá 1x2 là loại đá chủ lực trong các công trình xây dựng vì vừa dùng để trộn bê tông, vừa dùng để làm đường, nên có giá tương đối cao. Tại nơi khai thác giá khoảng 175 – 185 ngàn đồng/m3 , còn ngoài thị trường giá khoảng 280 ngàn đồng/m3 . Ngoài ra, đá 4x6 cũng được dùng để làm đường, đá chẻ dùng để xây móng các công trình dân dụng, đá hộc dùng để kè bờ, xây cảng, xây đập hồ chứa nước...

Đá chẻ giá hiện tại trên thị trường khoảng  5.200 đ/viên. Đá khối là loại đá đắt nhất hiện nay, giá khoảng 10 triệu đồng / m3 . Sở dĩ đá khối giá cao vì khai thác khó, phải lựa chọn những loại đá liền khối, chi phí khai thác tốn kém và số lượng không nhiều. Trong số các loại đá xuất khẩu khai thác bằng dây chuyền công nghệ hiện đại thì nhu cầu tiêu thụ đá mi bột ở thị trường nước ngoài tương đối lớn, vì sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất gạch men, đúc tượng, đúc các sản phẩm mỹ nghệ và là một trong những nguyên liệu cần thiết để sản xuất một số sản phẩm công nghiệp quan trọng. Giá xuất khẩu đá mi bột hiện nay khoảng 30 - 35 USD/ tấn.

Ngoài các loại đá trên, thì vài năm gần đây đá nguyên khai (dạng tự nhiên) cũng đang được chú ý khai thác để dùng vào việc trang trí ngoại thất, tạo cảnh quan thiên nhiên trong các khu du lịch, khu đô thị.

Các cơ sở sản xuất và khai thác đá trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT hầu hết tập trung ở các xã vùng ngoài, dọc quốc lộ 51, như các xã: Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hoà, Tân Hoà, Tân Hải… thu hút khoảng hơn 2 ngàn lao động làm nghề đẽo đá thủ công, trong đó 70% là người từ các địa phương khác đến cư trú làm nghề. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất đá có từ 15 đến 70 lao động, các doanh nghiệp lớn có thể lên đến vài trăm lao động. Thu nhập bình quân của các lao động này từ 5 đến 7 triệu đồng/ 1 tháng. Số lao động có tay nghề cao thu nhập có thể đạt mức bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng/ 1 tháng, tuy nhiên số lao động có tay nghề cao không nhiều.

Tại 2 xã Phước Hòa và Tân Phước hiện có khoảng trên 20 cơ sở sản xuất đá với hơn 500 lao động thủ công. Họ cư trú trong các lán trại được dựng tạm bằng lá dừa và ngăn ra từng gian nhỏ, diện tích mỗi gian khoảng 9m2  dành cho khoảng 3 đến 4 người ở. Một số lều lớn hơn, nằm riêng biệt dành cho các hộ gia đình có con nhỏ. Các lều trại nối tiếp nhau tạo thành xóm ngụ cư của những người thợ đá.

Những người thợ làm đá thủ công ở đây cho biết, công việc của họ rất vất vả nặng nhọc, đòi hỏi không chỉ có sức khoẻ, mà còn cả sự khéo léo chính xác của đôi bàn tay. Giá trị của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của nguồn đá mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố gia công trong tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất đá, từ khâu chẻ đá ở núi ra, cho đến khâu chấn, khâu đục, đẽo đá, khâu nêm và cuối cùng là khâu tẩy, điêu khắc…

Thông thường khách hàng nước ngoài đặt hàng theo mẫu mã kích thước cho trước và luôn kèm theo tất cả các bản vẽ chi tiết kỹ thuật của các công trình xây dựng có sử dụng đá. Để có một sản phẩm đá đúng theo yêu cầu của khách hàng, người thợ làm đá phải bảo đảm theo 2 tiêu chí kỹ thuật: kích thước mẫu và kích thước khi lắp ghép trong quá trình thi công xây dựng. Một sản phẩm đá có chất lượng tốt, hình thức đẹp hay xấu phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của những người thợ đá. Thợ có tay nghề cao chỉ cần quan sát vân đá, thớ đá là có thể biết được họ có thể làm được những gì từ nguyên liệu thô này, cách khoan đá ra sao, có tính toán chính xác mới tận dụng nguyên liệu triệt để không bị lãng phí và mới đạt được giá trị sản phẩm cao nhất. Một mét khối đá sống (nguyên liệu) ở núi Thị Vải hiện có giá từ 1 đến 2 triệu đồng, nhưng qua bàn tay khéo léo gia công của người thợ, các sản phẩm đá có thể lên đến vài chục triệu, vài trăm triệu đồng. Cá biệt có các sản phẩm điêu khắc có khi đạt tới vài tỷ đồng.

Hiện nay thị trường đá xuất khẩu của huyện Tân Thành chủ yếu là Đài Loan, Singapore, Hồng Kông… và đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm đá Trung Quốc. Trước đây, loại đá lót xuất khẩu sang Đài Loan (loại 1) kích thước 30 x 60 x 6 có giá khoảng 2,6 USD/ 1 viên, nay chỉ còn khoảng 2,3 USD/ 1 viên, trong khi đó tiền đá sống và tiền công trả cho thợ đá đã lên đến hơn 12 ngàn đồng/ 1 viên (chưa kể còn nhiều khoản chi phí khác). Là địa bàn công nghiệp, cảng biển, so với một số mặt hàng xuất khẩu khác, thì mặt hàng xuất khẩu đá với phương thức xuất khẩu trực tiếp giao hàng tại cảng, thuận lợi hơn rất nhiều, thủ tục cũng đơn giản hơn và tránh được nhiều rủi ro cho phía chủ hàng.      

        Ông Đào Bích Thảo, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh Tâm, thuộc  địa bàn xã Tân Phước, huyện Tân Thành cho biết: “Chất lượng đá ở Tân Thành rất tốt, trữ lượng dồi dào. Vị trí các mỏ đá gần đường giao thông, gần cảng và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, người dân địa phương ưa dùng loại đá xanh, chưa quen dùng đá trắng xám. Đây là một bất lợi cho người khai thác đá vì hầu hết khu vực này là đá trắng xám. Một khó khăn nữa là đá granit ở Tân Thành là loại đá không liền khối, thường bị kẹp đất, nên khi khai thác không tạo được tầng vỉa, đá thường bị lẫn đất, làm cho việc ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại gặp khó khăn và tốn kém…”

           Hiện nay, đá granit loại trắng ở núi Thị Vải là một trong những loại đá được nhiều khách hàng ngoài nước ưa chuộng. Để sản phẩm đá xuất khẩu của mình vươn tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực Bắc Mỹ và Đông Âu, các cơ sở sản xuất đá ở huyện Tân Thành đang tích cực tìm kiếm đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, thu nhận và khuyến khích ưu đãi các thợ làm đá có tay nghề cao từ các nơi khác về làm việc cho cơ sở sản xuất đá của họ đồng thời thuê các nghệ nhân vẽ trưng bày quảng cáo nhiều mẫu mã sản phẩm nhằm thu hút khách hàng về với mình.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của một làng nghề thủ công truyền thống đang phát triển ở địa phương, thì nơi đây cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết. Hiện tượng khai thác đá trái phép vẫn còn xuất hiện, cũng như  tình trạng xe vận chuyển khoáng sản quá tải làm hư hỏng đường sá, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Năm 2017, Bộ tài nguyên môi trường và Sở đã kiểm tra 23 điểm mỏ khai thác khoáng sản, phát hiện 5 điểm mỏ chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, như để bụi phát sinh từ các trạm nghiền đá, ảnh hưởng đến đời sống người dân; chưa thu gom xử lý chất thải rắn đúng quy định; có cả  trường hợp phải đóng cửa mỏ phục hồi môi trường khi giấy phép hoạt động hết hiệu lực. Mặt khác, xóm thợ đá cũng đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp cần phải giải quyết. Đó là vấn đề quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với người nhập cư, vấn đề an ninh trật tự xã hội và việc học hành của con em những người thợ làm đá… Nghề làm đá là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm, nếu sơ xuất rất dễ xảy ra tai nạn lao động, thế nhưng dụng cụ bảo hộ lao động của các doanh nghiệp cấp cho công nhân vẫn còn rất hạn chế ; mặt khác, tính đến nay, số người lao động làm đá thủ công ở huyện Tân Thành mua bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ rất ít, nếu như không muốn nói là chưa có lao động nào./.

 Quốc Thịnh- Lệ Quyên

Bài liên quan

Tin mới

Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
Trung tâm Văn hoá TP. Hải Phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Ngày 26/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa
Huế- Thành lập Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa

Ngày 26/4, Hội Cựu Công an Nhân dân phường Thuận Hòa đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024- 2026, với 46 hội viên.

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.