Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng 20/9/2019, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tiếp tục đưa ra đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh 2/9.

Theo lý giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sở dĩ cơ quan này kiên trì đề xuất tăng số ngày nghỉ cho người lao động vì số ngày nghỉ của Việt Nam hiện nay ít hơn nhiều nước. Hơn nữa, ngày Quốc khánh của Việt Nam gần với Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Nhiều công nhân gần như cả năm học không đưa con em đến trường ngày nào.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đề xuất tăng thêm ngày nghỉ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đưa ra trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Lao động, trong lúc chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội nhưng lại chưa có đánh giá tác động. 

Kết luận vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, lúc Chính phủ yêu cầu mở rộng khung giờ làm thêm cho người lao động thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không đồng tình; nay Tổng liên đoàn lại đề xuất thêm ngày nghỉ mà không đánh giá tác động thì không ổn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá lại tác động của việc nghỉ thêm 3 ngày trong năm, xem ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và cuộc sống của công nhân như thế nào.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 10 ngày lễ, tết. Trong đó, đợt nghỉ nhiều nhất là Tết Âm lịch 5 ngày; các đợt nghỉ một ngày gồm Tết Dương lịch 1/1, ngày Chiến thắng 30/4, Quốc tế lao động 1/5, Quốc khánh 2/9, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch.

Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ nói trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền dân tộc và một ngày Quốc khánh của nước họ.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào kỳ họp cuối năm, khai mạc cuối tháng 10.

PV