Nước ngập sâu, người dân xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) đi lại khó khăn.
Nước ngập sâu, người dân xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) đi lại khó khăn.

Hệ thống các tuyến đê cấp II, III và IV trên địa bàn tỉnh đến nay ổn định, an toàn nhưng một số tuyến đê cấp V (đê bối, bờ bao, bờ vùng . .) đã bị tràn qua mặt đê gây ngập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Thống kê sơ bộ, đến chiều 11/9, toàn tỉnh có 35 thôn bị chia cắt, khoảng 7 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Các điểm bị ngập lụt, chia cắt chủ yếu ở các khu dân cư ngoài đê sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; trong đó, tại các địa phương: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, TP. Bắc Giang, Yên Thế, Tân Yên có tổng số 30 thôn. Riêng huyện Lục Ngạn còn 5 thôn ở xã Sa Lý bị chia cắt do ngầm Tà Cang trên đường tỉnh 248 bị sạt lở chưa thể khắc phục.

Tại huyện Hiệp Hòa, từ tối qua (10/9), nước đã tràn qua đê bối đoạn qua 2 thôn Đồng Đạo và Đa Hội, xã Hợp Thịnh. Toàn huyện có 14 thôn của 4 xã Đồng Tân, Mai Trung, Hợp Thịnh, Thanh Vân bị cô lập toàn bộ hoặc một phần... Hơn 4,1 nghìn hộ dân với gần 13,8 nghìn nhân khẩu tại các địa phương này bị ảnh hưởng. Hàng nghìn hộ đã được di dời đến vị trí an toàn. 

Một hộ dân ở tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bị nước ngập vào nhà.
Một hộ dân ở tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bị nước ngập vào nhà.

Tại địa bàn thị xã Việt Yên, toàn bộ xã Vân Hà (3 thôn) bị chia cắt hoàn toàn.

Tại địa bàn huyện Lục Nam còn 10 thôn bị chia cắt với 622 hộ, gần 2,8 nghìn nhân khẩu bị ảnh hưởng. Riêng thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá bị cô lập hoàn toàn, chỉ kết nối với bên ngoài bằng phương tiện thủy. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Tân Yên, do nước lũ sông Thương dâng cao, tràn qua đê bối gây ngập lụt, trên địa bàn huyện có 3 thôn là: Ngọc Trì, Đông La (xã Quế Nham) và thôn Đìa (xã Phúc Hòa) bị chia cắt, cô lập.

Tổng số 3 thôn hiện có hơn 160 hộ bị ảnh hưởng. Các xã đã đưa trẻ em, người già tới các khu vực an toàn như nhà văn hóa, trường học và tiếp tục hỗ trợ các hộ di dời tài sản, vật nuôi. Công an huyện Tân Yên đã hỗ trợ UBND các xã tổ chức phân luồng giao thông, thông báo cho các phương tiện đi lại chuyển hướng...

Người dân ở phía ngoài sông thuộc tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) phải dùng thuyền đi lại.
Người dân ở phía ngoài sông thuộc tổ dân phố Chi Ly 1, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) phải dùng thuyền đi lại.

Trước tình hình trên, UBND các địa phương đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung cao ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, hỗ trợ người dân khi cần thiết, nhất là các vùng bị nước cô lập; bảo đảm lực lượng ứng trực tại các điếm canh đê. Đồng thời rà soát, dự báo tốt tình hình để hỗ trợ các hộ dân có nhà tạm, nhà ở có nguy cơ đổ, sập, nguy hiểm, ở các khu vực ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất di dời đến nơi an toàn. 

Người dân làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) phải dùng phèn xử lý nước sông để dùng sinh hoạt.
Người dân làng chài Nguyệt Đức, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) phải dùng phèn xử lý nước sông để dùng sinh hoạt.

Ở các địa phương bị chia cắt, cô lập, chính quyền, các lực lượng chức năng và nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết như thuốc men, gạo, muối, mì tôm, thực phẩm, đèn pin đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân…

Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) thông tin: "Tại địa phương, hiện điểm ngập sâu nhất khoảng 3m. Từ ngày 10/9 tới nay, chính quyền huyện, cơ quan chức năng và các mạnh thường quân đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xã nhiều thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

Hiện tại, người dân đang còn thiếu đèn chiếu sáng, áo mưa và sạc dự phòng... Nếu được hỗ trợ các vật dụng này kịp thời thì rất quý".

Bá Đoàn