Các đại biểu được PGS.TS Trần Văn Hải, Trưởng bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Thông tin và Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cung cấp những kiến thức tổng quan về hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung); các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan đến dấu hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Cùng đó, là việc bảo vệ, quản lý, khai thác quyền Sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản truyền thống; quy định, quy chế sử dụng nhãn hiệu khi được bảo hộ; hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Tại hội nghị, các đại biểu còn được thông tin, trao đổi về tình hình vi phạm Sở hữu trí tuệ; giải quyết tranh chấp và những vấn đề đặt ra ở nước ta hiện nay; hướng dẫn sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP…
Hoạt động này giúp các đại biểu nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Từ đó vận dụng hiệu quả trong công việc và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Bắc Giang quan tâm thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh nằm trong tốp 15 của cả nước về bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ đối với quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng. Bên cạnh đó, tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng đối với tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân; khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được bảo hộ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Anh Minh