Sản lượng vải giảm, giá cao

Những ngày này, diện tích vải sớm được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Úc ở thôn Nam Điện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn đang thời kỳ phát triển quả. Ông Nguyễn Văn Lý, trưởng mã số vùng trồng thông tin, thôn có 29 hộ tham gia liên kết trồng với tổng diện tích khoảng 10 ha. Để phù hợp với điều kiện xuất khẩu, các hộ thực hiện chặt chẽ quy trình chăm sóc, không sử dụng hóa chất gây hại, phân chuồng ủ hoai mục trộn với lượng nhỏ phân vô cơ bón cho cây. Năm nay, ước sản lượng vải sớm đạt 15-16 tấn quả. Mặc dù sản lượng không bằng năm trước song bà con kiên trì áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên diện tích đậu hoa đều cho sai quả, hứa hẹn được giá cao.

Sản lượng vải giảm, giá cao.
Sản lượng vải giảm, giá cao.

Năm nay, huyện Lục Ngạn duy trì 103 mã số vùng trồng vải xuất khẩu, tập trung tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Nam Dương, Hồng Giang, Giáp Sơn. Thời tiết không thuận lợi nên nhiều vườn vải không đậu quả, ước sản lượng vải thiều toàn huyện đạt khoảng 50 nghìn tấn, trong đó khoảng 24 nghìn tấn vải sớm (u hồng, Thanh Hà), còn lại là vải chính vụ.

Để chất lượng quả vải đạt tiêu chuẩn, từ đầu năm đến nay huyện tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho bà con kỹ thuật chăm sóc vải trước và sau giai đoạn ra hoa, thời kỳ đậu quả. Đáng chú ý, sau khi vải đậu quả, thời tiết khá ổn định tạo thuận lợi cho người dân tập trung cao áp dụng kỹ thuật chăm sóc.

Tháng 4/2024, Cục Bảo vệ thực vật đã kiểm tra điều kiện sản xuất, xuất khẩu tại các vùng trồng vải và cơ sở đóng gói; trong đó lưu ý người dân ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh vườn bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng. Yêu cầu các cơ sở sơ chế, đóng gói thực hiện chuẩn hóa lại theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản. Bổ sung bảng, biển tại khu sơ chế, đóng gói bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên vụ này người trồng vải vui hơn vì hiếm nơi nào trong tỉnh vải đậu quả sai, tỷ lệ ra quả đạt hơn 70%, sản lượng dự kiến khoảng 15 nghìn tấn. Thời điểm này đã có nhiều doanh nhân ở trong và ngoài nước đến thăm vườn, ký hợp đồng ghi nhớ bao tiêu sản phẩm. Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng kênh bán hàng trên Tiktok cho một số hộ, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ.

Chủ động xúc tiến mở rộng thị trường

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt khoảng 100 nghìn tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023). Các vùng vải được chăm sóc theo quy trình bảo đảm an toàn, thời gian thu hoạch dự kiến từ 20/5 đến 30/7, trong đó thu hoạch vải sớm từ 20/5 đến 15/6, vải chính vụ từ 10/6 trở đi.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), tín hiệu đáng mừng cho mùa vải năm nay khi nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn tìm kiếm và ký hợp đồng dài hạn với các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Như vừa qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP. Bắc Giang) ký hợp tác với xã Phúc Hòa (Tân Yên) cam kết tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2024 - 2028 với mức giá 35 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với giá mọi năm. Từ đầu vụ đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 8 buổi làm việc với các DN sang khảo sát vùng nguyên liệu xuất khẩu. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện về sơ chế, đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thái Lan…

Từ nay đến cuối vụ thu hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương, đặc biệt là vùng trọng điểm Lục Ngạn và Tân Yên rà soát, đánh giá các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo đảm thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu. Sở sẽ lấy ngẫu nhiên 50 mẫu quả vải tươi tại các vùng sản xuất để phân tích các chỉ số trước khi xuất khẩu ở thị trường cao cấp. Hướng dẫn các hộ trong vùng sản xuất chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng, các cơ sở đóng gói của hải quan Trung Quốc.

Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa xuất khẩu sang thị trường châu Âu giai đoạn 2024-2028.
Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa xuất khẩu sang thị trường Châu Âu giai đoạn 2024-2028.

Cùng với duy trì chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng chủ động kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Trong tháng 5, Sở Công Thương tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là thị trường truyền thống, tiêu thụ lượng lớn vải thiều của địa phương. Qua hội nghị, hai bên đã có nhiều trao đổi, hợp tác cùng nhau chung tay tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Bắc Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường cao cấp như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc... thông qua các DN thu mua vải thiều và trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tại huyện Lục Ngạn, địa phương đã dự kiến các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với Chương trình du lịch mùa hè năm 2024.

Theo đó, tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi (chiếm khoảng 80%); ngoài ra chú trọng đến công tác chế biến vải thiều tại chỗ bằng các hình thức: Sấy khô, đóng hộp, ép nước…; phấn đấu khoảng 10-15% sản lượng vải thiều vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, các nước EU… Huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, HTX, thương nhân đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều trên cơ sở chấp hành các quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Cùng với Lục Ngạn, huyện Tân Yên đã kết nối, hỗ trợ DN khảo sát, thăm vườn và tập huấn hướng dẫn người dân tăng cường quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Các hộ trồng vải sử dụng sản phẩm sinh học chăm sóc vải thiều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mùa vải thiều Bắc Giang chuẩn bị bước vào chính vụ. Với việc chủ động các biện pháp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hy vọng người trồng vải Bắc Giang tiếp tục có mùa quả được giá, vươn đến thị trường mới.

Bá Đoàn