Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: Cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá chiến lược, tác động quan trọng đến sự phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, công tác này luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện.
Chất lượng CCHC, hiệu quả phục vụ được nâng lên và lan tỏa sâu rộng, được Nhân dân ghi nhận. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh những năm gần đây luôn trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và tăng thứ hạng theo từng năm; năm 2020, xếp thứ 13; năm 2021, xếp thứ 7; đặc biệt, năm 2022 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” - 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước; lĩnh vực “Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước” xếp thứ 2 cả nước.
Xuất phát điểm là tỉnh còn nhiều khó khăn song với nỗ lực, quyết tâm cao, Bắc Giang đã có những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng CCHC. Trước hết đó là sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030 bám sát nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76/NQ-CP để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, trong đó nêu rõ nhiệm vụ và phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả chỉ số CCHC; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về tầm quan trọng của chỉ số CCHC đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC và các nhiệm vụ chính trị được giao.
Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ; thường xuyên kiểm tra, thanh tra liên quan đến công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư; tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, DN để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhờ vậy đã nâng cao sự hài lòng của người dân, DN khi thực hiện TTHC; hiệu quả thu hút đầu tư tăng cao.
Tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo; khuyến khích các sáng kiến và mạnh dạn áp dụng vào CCHC tại cơ sở. Việc đăng ký áp dụng sáng kiến CCHC được tỉnh triển khai ngay từ đầu năm, trong đó, mỗi cơ quan đăng ký thực hiện ít nhất 3 sáng kiến. Nhiều sáng kiến đã mang lại hiệu quả cao trong thực tế và được triển khai nhân rộng như: Sáng kiến định danh điện tử từ xa; hệ thống trả lời tự động; ứng dụng mã QR trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN về TTHC, tra cứu TTHC, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC, thanh toán trực tuyến; thẩm định hồ sơ trực tuyến; “trợ lý ảo” trên Zalo; cấp thẻ dịch vụ công…
Ngoài ra các địa phương còn áp dụng mô hình giải quyết TTHC theo phương châm “nhanh, gọn, có lợi cho nhân dân” và được nhân dân, DN đánh giá cao, như: Mô hình "Ngày thứ Sáu nhanh", “Ngày thứ Hai không hẹn” ở TP. Bắc Giang; mô hình “Thứ Sáu không hẹn, không viết”, “Ngày Chủ nhật vì dân” ở huyện Lạng Giang...
Đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền trong cải cách thủ tục hành chính
Công tác rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc TTHC được thực hiện thường xuyên. Tỉnh Bắc Giang hiện cung cấp 951 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt hơn 80%; cắt giảm thời gian giải quyết đối với 241 TTHC, rút ngắn từ 30-60% thời gian giải quyết so với thời gian quy định của T.Ư.
Nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến, như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với một số TTHC khi nộp hồ sơ trực tuyến; phối hợp với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tổ chức chương trình quay số trúng thưởng với giải thưởng giá trị lớn cho khách hàng may mắn khi thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.
Nhằm tăng cường năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2/6/2023 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhằm phát huy yếu tố con người.
Trong đó yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên thực sự “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); mỗi đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu phải “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ bài bản, chặt chẽ, khoa học hơn, bảo đảm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả).
Đồng thời, Bắc Giang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện ủy quyền cho giám đốc sở, chủ tịch UBND huyện, TP thực hiện 75 TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Bắc Giang tiếp tục tập trung các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Tỉnh xây dựng, vận hành phần mềm kho dữ liệu số và trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bắc Giang; thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; duy trì, quản trị, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; thường xuyên đào tạo, tập huấn kỹ năng vận hành các hoạt động chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức.
Bá Đoàn