Thời gian qua, cùng với các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện các hoạt động khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã làm tốt vai trò là cầu nối để hỗ trợ cho các hợp tác xã bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong giai đoạn 2017 - 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đã hỗ trợ được 52 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó: Hỗ trợ cho 1 hợp tác xã tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề; 16 hợp tác xã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư vấn, trợ giúp cho 34 hợp tác xã trong công tác thiết kế, in ấn mẫu mã bao bì đóng gói, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ được 1 hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà trưng bày, bán sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức bình chọn được 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hỗ trợ cho khoảng 100 lượt hợp tác xã đi tham gia trực tiếp hoặc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước.

Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương) hỗ trợ được 1 hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất cơ khí; phối hợp với Cục Công Thương địa phương, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương (Bộ Công Thương), tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý cho 150 học viên là cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã.

Qua đánh giá, nội dung này của hoạt động khuyến công hết sức thiết thực, hiệu quả, giúp các Hợp tác xã nâng cao được khả năng cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho hộ xã viên, tạo thêm nhiều việc làm mới ở địa phương, hỗ trợ đơn vị tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…; nhiều sản phẩm của các hợp tác xã: Mỳ gạo Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, thịt lợn, nấm… nâng cao được thương hiệu, thị trường mở rộng, dần đáp ứng được các quy định để xuất khẩu; góp phần tạo được những hạt nhân, lan tỏa, duy trì, thúc đẩy các làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Giang phát triển: Mộc Bãi Ổi, mỳ gạo Thủ Dương, mộc Đông Thương, mỳ gạo Châu Sơn…;

Hỗ trợ được một số hợp tác xã tiêu biểu, điển hình ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị mà các đơn vị đang sử dụng. Qua đó, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bước đầu phát triển về số lượng, xây dựng lên một số mô hình hợp tác xã có hiệu quả, tạo được niềm tin vào triển vọng phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã; đây chính là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ thành viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua nội dung này vẫn còn nhiều hạn chế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn: Số lượng hợp tác xã được thụ hưởng kinh phí khuyến công chưa nhiều chỉ tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn mà chưa bao quát hết toàn bộ các địa phương, khu vực kinh tế trong tỉnh; Đề án khuyến công của các hợp tác xã có quy mô nhỏ, lẻ nên sức lan tỏa chưa rộng, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho hợp tác xã cấp xã, làm hạn chế tiềm năng liên kết vùng miền, nâng cao quy mô và sức cạnh tranh cũng như hiệu quả khai thác…

PV