Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, dịp Tết năm nay, toàn huyện cung ứng khoảng 2,3 triệu con gà. Hiện mỗi ngày các thương nhân về thu mua hàng chục tấn gà lông của huyện đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh và một số địa phương lân cận.
Giá gà thương phẩm dao động từ 80-105 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 30% so dịp Tết năm 2023; gà đã thịt đóng túi giá 175 nghìn đồng/kg. Với giá gà như hiện nay, trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 40 triệu đồng/1 nghìn con.
Hợp tác xã (HTX) Nem nướng Liên Chung, xã Liên Chung (Tân Yên), mỗi ngày bán 3 nghìn quả nem; ước tính cả xã tiêu thụ hơn 10 nghìn quả nem/ngày, tăng gần gấp đôi so cùng thời điểm năm ngoái. Để tăng lượng tiêu thụ, HTX đang thực hiện chương trình giảm giá cho khách mua số lượng lớn từ 200 quả trở lên.
Cùng với Nem nướng Liên Chung (sản phẩm OCOP 4 sao), các sản phẩm được chế biến từ sâm Nam núi Dành cũng tiêu thụ mạnh trong dịp này. Đại diện HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh (cùng xã Liên Chung) cho biết, dịp Tết năm nay, HTX đưa ra thị trường 6 sản phẩm mới gồm: Các loại rượu sâm chai đóng hộp gỗ, hộp giấy và đóng thùng; trà hoa sâm, củ sâm sấy khô; sâm hòa tan,… với chất lượng cao, mẫu mã bao bì được thiết kế đa dạng, bắt mắt.
Hiện mỗi ngày có hàng chục lượt khách đến mua sản phẩm, tham quan mô hình sản xuất sâm của HTX tại thôn Hậu, xã Liên Chung và tại số 28 đường Ngô Văn Cảnh (TP Bắc Giang). Doanh thu của HTX trong dịp này đạt hơn 100 triệu đồng/ngày.
Tại Lục Ngạn, các sản phẩm cây có múi cũng đang tiêu thụ mạnh. Giá cam ngọt (sản phẩm OCOP 4 sao của huyện) được “săn lùng” nhiều nhất. Giá bán tăng từng ngày.
Chị Nguyễn Thị Hòe (thương nhân chuyên thu mua hoa quả), trú tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang thông tin, hiện giá cam ngọt thu mua tại vườn dao động từ 40 đến hơn 70 nghìn đồng/kg (tùy theo mã quả và chất lượng), tăng gấp rưỡi so với thời điểm đầu vụ và gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. “Tôi vừa đặt mua cả vườn cam ngọt loại đẹp tại xã Quý Sơn để bán ngày cận Tết với giá 68 nghìn đồng/kg”, chị Hòe nói. Giá cam ngọt tăng cao do sức mua tăng, diện tích cam năm nay giảm, sản lượng thấp.
Các sản phẩm mỳ gạo Chũ cũng đang bán rất chạy. Những ngày qua, do mưa liên tục nên nhiều cơ sở sản xuất mỳ trên địa bàn huyện Lục Ngạn không còn hàng để bán.
Bà Nguyễn Thị Chinh, chủ cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, số 454 đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho biết, hiện cửa hàng có hơn 200 sản phẩm OCOP, nông sản chế biến của Bắc Giang, hầu hết đều tiêu thụ mạnh, trong đó nhiều mặt hàng như: Mỳ gạo Chũ, trà nụ hoa sâm núi Dành, miến dong, rượu men lá, trà hoa vàng Lựu Chanh… tiêu thụ chạy nhất.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 290 sản phẩm OCOP, trong đó có 27 sản phẩm đạt 4 sao. Do được tỉnh hỗ trợ đầu tư sản xuất, chế biến, thiết kế tem nhãn, bao bì, xây dựng thương hiệu, quảng bá nên các sản phẩm OCOP và nông sản chế biến gần đây tiêu thụ mạnh, nhất là trong dịp lễ, Tết, nhiều mặt hàng giá tăng cao.
Bá Đoàn