Mở đầu hội nghị, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Bắc Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng.
Một số sản phẩm đang được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như: Chè Bản Ven và sản phẩm chế biến từ gạo (mỳ gạo Chũ) với sản lượng hàng chục nghìn tấn; cây có múi (cam, bưởi) với sản lượng mỗi năm đạt gần 90 nghìn tấn quả; cây lâm nghiệp với sản lượng đạt hơn 600 nghìn m3 gỗ/năm và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, Bắc Giang có vùng vải thiều lớn nhất cả nước. Nhiều năm qua, tỉnh nhất quán quan điểm: Lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải sinh trưởng phát triển tốt, dự báo sản lượng đạt hơn 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; chính vụ 120.000 tấn). Vải dự kiến xuất khẩu sang Hoa Kỳ với 17 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Giang đặc biệt coi trọng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất, nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp xuất khẩu hàng hóa cụ thể, đặc biệt đối với các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Hoa Kỳ là thị trường lớn, tiềm năng; hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường này.
Hai năm qua, dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Trong điều kiện khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.
UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; các điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào Hoa Kỳ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Bá Đoàn