Theo Nghị quyết số 147, ngày 15/07/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, Bắc Giang sẽ sáp nhập 6 CCN vào các KCN.
Cụ thể, 6 CCN bao gồm: Tân Hưng (Lạng Giang), diện tích 49,7 ha; Tăng Tiến (Việt Yên), diện tích 37 ha; Nội Hoàng (Yên Dũng), diện tích 37,5 ha; Cầu Gồ (Yên Thế), diện tích hơn 4 ha; Trại Ba (Lục Ngạn), diện tích 8,6 ha; Đức Thắng (Hiệp Hòa), diện tích gần 3 ha.
Việc sáp nhập CCN vào KCN tạo điều kiện thuận lợi về mặt quản lý nhà nước và thu hút các DN thứ cấp vào đầu tư. Bởi hiện quyền quản lý nhà nước các CCN đang thuộc về Sở Công Thương còn các KCN do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, so với CCN, các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào KCN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn về tiền thuê đất và các loại thuế.
Cụ thể, các DN đầu tư mới (sau khi sáp nhập CCN vào KCN) sẽ được miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi). Đối với DN đầu tư vào KCN, pháp luật còn cho phép thành lập DN chế xuất (được ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu). Do đó, các DN, nhất là DN lớn luôn muốn đầu tư vào các KCN.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ sáp nhập xong CCN Tân Hưng vào KCN Tân Hưng (Lạng Giang) và CCN Tăng Tiến vào KCN Vân Trung (Việt Yên). Riêng CCN Nội Hoàng, các DN thứ cấp đã vào đầu tư nên cơ bản lấp đầy, do đó sẽ sáp nhập vào KCN Song Khê - Nội Hoàng ở giai đoạn kế tiếp.
Chủ động lấp đầy KCN
Dù có nhiều ưu điểm song việc sáp nhập CCN vào KCN cũng nảy sinh một số vấn đề, như: Đấu nối hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, quan hệ hợp tác và san sẻ lợi ích giữa các chủ đầu tư hạ tầng KCN và CCN sau khi sáp nhập…Không chỉ vậy, Nghị định số 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (có hiệu lực từ ngày 15/7/2022) không có điều khoản quy định về việc sáp nhập CCN vào KCN. Nghị định chỉ quy định về mở rộng KCN nhưng phải đủ điều kiện tỷ lệ lấp đầy KCN.
Cụ thể, Điều 9 của Nghị định nêu: “KCN đã được thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng KCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt” thì mới được phép mở rộng KCN.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, việc mở rộng KCN sang CCN là hoàn toàn hợp pháp. Vừa qua, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Cửu Long (chủ đầu tư CCN Tăng Tiến) đã nộp hồ sơ đề xuất xin sáp nhập vào KCN Vân Trung lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang chờ phản hồi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Đặng Hoàng Long, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, việc sáp nhập các CCN vào KCN là chủ trương đúng, mang lại lợi ích cho cả DN đầu tư và tỉnh Bắc Giang. Do vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn giúp các chủ đầu tư CCN và KCN trên địa bàn tỉnh thực hiện việc sáp nhập, kịp thời đón bắt cơ hội đầu tư để phát triển KT-XH địa phương.
Bá Đoàn