Sáng ngày 18/9, Ban thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Ông Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an), lãnh đạo Ủy ban MTTQ, Công an tỉnh và một số đơn vị liên quan
Quang cảnh hội nghị
Có thể thấy, việc thực hiện Chỉ thị số 21, công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy được các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp được triển khai sâu rộng, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình thực tiễn địa phương.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 33 xã, phường không có người nghiện. Trong 10 năm, lực lượng công an Tỉnh bắc Giang đã mở gần 30 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Qua đó, phát hiện, bắt giữ hơn 3.000 vụ với gần 4.400 đối tượng, hơn 670 kg ma túy các loại cùng hàng trăm ô tô, xe máy, vũ khí quân dụng và gần 20 tỷ đồng, 36,6 nghìn USD, xóa bỏ hai điểm “nóng” về buôn bán, vận chuyển ma túy ở xã Ngọc Vân (Tân Yên) và Lương Phong (Hiệp Hòa). Một trong những giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, tập trung triệt phá, xóa những địa bàn phức tạp về ma túy là làm tốt công tác nắm tình hình, ngăn chặn các đối tượng thẩm lậu ma túy vào địa bàn. Với những kết quả đó, Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, đến nay Bắc Giang không còn địa bàn phức tạp về ma túy.
Bên cạnh đó, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông qua báo chí đến từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân tham gia phát giác, tố giác tội phạm về ma túy. Nhiều mô hình quần chúng đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn ma túy được thành lập ở các địa phương như: CLB phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội thôn Táu, xã Long Sơn (Sơn Động); Trường học không ma túy của ngành giáo dục; Đội Thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin; Phong trào “Ba không với ma túy” do Tỉnh đoàn phát động với phương châm: Không sử dụng, không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và không bao che cho tội phạm, tệ nạn ma túy...
Các đại biểu thăm gian trưng bày hình ảnh hoạt động của lực lượng Công an tỉnh
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Sở Y tế đề nghị Trung ương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập về hướng dẫn, quản lý sau cai nghiện; triển khai mở rộng thêm các cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone tại một số địa bàn có người nhiễm HIV/AIDS và nghiện ma túy bằng mô hình lồng ghép như tại huyện Sơn Động, Lục Nam...
Mặc dù công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng diễn biến của loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi ghi nhận những kết quả, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện Chỉ thị 21. Trước tình hình tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng liều lĩnh, ông cho rằng việc chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, thực hiện Chỉ thị tại một số địa bàn còn hình thức; sự phối hợp giữa các ngành, tổ chức chính trị xã hội hạn chế; công tác đấu tranh chưa đáp ứng được yêu cầu so với diễn biến hiện nay.
Để tiếp tục nâng hiệu quả công tác phòng chống ma túy, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các cấp ủy, địa phương cần nhận thức rõ công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy là nhiệm vụ lâu dài, trường kỳ và phải kiên trì. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, xác định rõ tụ điểm, đường dây, từ đó phân tích, nhận định kỹ càng về khả năng liên kết giữa các ổ nhóm tội phạm về ma túy, hình sự. Từ đó xây dựng phương án triệt phá, bắt giữ, kiên quyết ngăn chặn các đối tượng thẩm lậu ma túy vào địa bàn.
Về phía lực lượng công an, nếu có khó khăn về phương tiện đấu tranh, trấn áp tội phạm, công an các địa phương có thể đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ.
Đối với công tác cai nghiện, yêu cầu các ngành nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng của hoạt động cai nghiện tại cộng đồng, nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả và có biện pháp để quản lý giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai.
Ngành giáo dục cần nghiên cứu đưa ra cơ chế quản lý giữa gia đình, nhà trường nhằm bảo vệ thế hệ trẻ trước những cám dỗ của ma túy, định hướng cho trẻ có lối sống lành mạnh. Cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, theo dõi và quản lý con em, nhất là trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Thường xuyên khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
Nguyễn Loan