Cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ thời điểm Chỉ thị 19 được ban hành (ngày 11/06/2020) trở về trước, toàn tỉnh có hơn 17,1 nghìn trường hợp vi phạm về đất đai (có công trình xây dựng), với tổng diện tích hơn 2.827 ha. Các vi phạm cụ thể là chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đào ao, hồ, đầm để nuôi trồng thủy sản; chuyển đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất vườn sang đất ở; chuyển đất lúa, trồng cây hàng năm sang đất vườn... Trong số này, vi phạm liên quan đến chuyển đất nông nghiệp, phi nông nghiệp sang đất ở; đất trồng lúa sang đất vườn chiếm nhiều nhất với hơn 11,5 nghìn trường hợp.

Sau hơn 02 năm thực hiện Chỉ thị 19, toàn tỉnh phát sinh thêm hơn 600 trường hợp vi phạm (chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình phụ, hàng quán trên đất nông nghiệp; chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm); trong số này có một số vi phạm phát sinh từ trước, chưa rà soát, thống kê hết. Hiện phần lớn vi phạm mới đã được xử lý dứt điểm.

Một số địa phương trước đây vi phạm diễn biến phức tạp song 2 năm trở lại đây, số vụ vi phạm giảm sâu. Tại huyện Lạng Giang, từ ngày 11/06/2020 trở về trước có 6.099 trường hợp vi phạm về đất đai tại 21/21 xã, thị trấn, tổng diện tích 352 ha. Nhưng từ tháng 07/2020 đến nay, toàn huyện chỉ xảy ra 113 trường hợp vi phạm tập trung ở 6/21 xã, thị trấn gồm: Thái Đào, Tiên Lục, Xuân Hương, Tân Thanh, Dương Đức, Hương Sơn. 

Chính quyền địa phương xử lý công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên
Chính quyền địa phương xử lý công trình xây dựng ttrái phép rên đất nông nghiệp tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên

Ông Nghiêm Phú Sơn, Trưởng Phòng TN&MT huyện Lạng Giang cho biết, đạt kết quả trên là do cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc đồng bộ, xác định thực hiện Chỉ thị 19 và Kết luận 120-KL/TU (Kết luận 120) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý, ngăn ngừa vi phạm. Các hành vi lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép tại địa bàn được phát hiện, xử lý sớm, ngăn chặn hiệu quả.

Không riêng Lạng Giang, sau khi Chỉ thị 19 được ban hành, vi phạm về đất đai tại các địa phương khác cũng giảm mạnh. Từ ngày 11/06/2020 trở về trước, tại huyện Hiệp Hòa có 3.579 trường hợp vi phạm, huyện Yên Dũng có 1.551 trường hợp, huyện Lục Ngạn có 5.625 trường hợp, TP. Bắc Giang có 1.048 trường hợp vi phạm... Từ giữa năm 2020 trở lại đây, tại huyện Hiệp Hòa chỉ phát hiện thêm 53 vi phạm mới; Yên Dũng 37, Lục Ngạn 20 và TP. Bắc Giang 19 trường hợp.

Thành lập nhiều đoàn giám sát chuyên đề

Nhằm quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiện toàn và chỉ đạo Tổ kiểm tra Chỉ thị 19 tăng cường kiểm tra, đôn đốc, báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị tại các địa phương. Năm 2023, Tổ công tác của tỉnh đã kiểm tra nội dung này tại 10/10 huyện, TP; trọng tâm là kiểm tra thực tế các công trình vi phạm, làm việc với chính quyền cấp huyện, xã, qua đó đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, hướng dẫn xử lý, giải đáp các vướng mắc tại cơ sở theo hướng “cầm tay chỉ việc”; đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 19 và các quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập nhiều đoàn giám sát chuyên đề do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát việc thực hiện Chỉ thị 19 tại các huyện, TP, đồng thời thực hiện 02 cuộc kiểm tra chấp hành tại huyện Sơn Động và TP. Bắc Giang cùng nhiều cuộc kiểm tra giữa nhiệm kỳ gắn với kiểm tra kết quả thực hiện Chỉ thị 19 và Kết luận 120. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại các địa phương. Sau kiểm tra tại huyện Hiệp Hòa, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xử lý và đề xuất xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng và 9 đảng viên vi phạm.

Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy; HĐND, UBND, ủy ban MTTQ các địa phương tổ chức hơn 150 cuộc giám sát, kiểm tra, thanh tra gắn với thực hiện Chỉ thị 19 và Kết luận120. Sau thanh, kiểm tra đã xử lý kỷ luật một số tổ chức Đảng và hàng chục đảng viên vi phạm. Thống kê sơ bộ, đến nay, huyện Việt Yên xử lý, đề nghị xử lý kỷ luật 10 cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn và đảng viên; huyện Lục Nam xử lý 10 tổ chức và cá nhân; huyện Hiệp Hòa xử lý 7 tổ chức và cá nhân; huyện Lạng Giang xử lý 6 tổ chức và cá nhân...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đi vào nền nếp. Nhiều địa phương để phát sinh các vi phạm sau thời điểm Chỉ thị 19 được ban hành đã tập trung cao xử lý, tổ chức thực hiện các cuộc cưỡng chế, kiên quyết tháo dỡ công trình kiên cố, có diện tích xây dựng lớn, phát huy hiệu quả răn đe, phòng ngừa cao.

Tại huyện Việt Yên có 121 trường hợp vi phạm dịp cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến nay cơ bản đã xử lý, giải quyết dứt điểm; huyện Yên Dũng phát sinh 37 trường hợp, trong đó có nhiều công trình kiên cố nhưng hiện cũng đã xử lý xong .

Bá Đoàn