Trong đó, tỉnh cấp mới 13 dự án trong nước, vốn đăng ký 2.045 tỷ đồng; 47 dự án FDI, vốn đăng ký 1.199,5 triệu USD, gấp 4,47 lần; điều chỉnh 13 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 1.338,7 tỷ đồng gấp 12,5 lần; điều chỉnh 22 dự án FDI tổng vốn tăng thêm 206,93 triệu USD, bằng 40,4%.
Trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh có 87 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 577 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng có 1.217 doanh nghiệp thành lập, tăng 31,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 18.427 tỷ đồng, giảm 15,8%; có 1.163 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ, chuyển ra khỏi địa bàn, tăng 8,4%.
Mặc dù là tỉnh không sở hữu những điều kiện tự nhiên lý tưởng, cũng không nằm trong tam giác trọng điểm kinh tế phía Bắc, không sở hữu cảng biển, sân bay hay cửa khẩu lớn, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Giang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn FDI (sau thành phố Hà Nội).
Để đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn vừa qua, lãnh đạo, các sở ban ngành tỉnh Bắc Giang đã tập trung quảng bá, xúc tiến đầu tư tại nhiều thị trường đồng thời tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, giao thông.
Đáng chú ý, từ năm 2021, Bắc Giang đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
Quan điểm nhất quán của tỉnh Bắc Giang là chuyển hoạt động thu hút đầu tư từ thế bị động sang chủ động, bảo đảm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, chú trọng đối với các dự án có công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án có đóng góp lớn cho ngân sách, các dự án an sinh xã hội; dự án có tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Trong đó, định hướng của Đề án là phát triển toàn diện các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy; phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đồng bộ và hài hòa giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi; khuyến khích hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đề án nêu trên cũng đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đến năm 2030, bao gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; Chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tăng cường công tác phổ biến, thông tin tuyên truyền…
Bá Đoàn