Các lượng tham gia chữa cháy rừng tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) vào tháng 7/2024.
Các lượng tham gia chữa cháy rừng tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) vào tháng 7/2024.

Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn; tính kịp thời; nhận thức của người dân địa phương và chính quyền địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch tập trung vào các nội dung chính bao gồm:

Tổ chức xây dựng lực lượng, kế hoạch, phương án PCCCR. Tiếp tục đôn đốc các chủ rừng trên địa bàn quản lý xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực tập Phương án PCCCR theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ;

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt dọn thực bì, đốt nương làm rẫy theo đúng quy định. Thường xuyên dự báo và thông tin cảnh báo cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị, chủ rừng và nhân dân được biết để chủ động PCCCR;

Thường xuyên tuần tra, canh gác và trực bảo vệ rừng và PCCCR tại các chòi canh lửa, các chốt, trạm bảo vệ rừng. Tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả công tác phối hợp bảo vệ rừng và PCCCR được quy định tại Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6 /2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ;

Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, không để cháy lan ra diện rộng.

Để thực hiện tốt Kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp PCCCR. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; giáo dục pháp luật, kiến thức về bảo vệ rừng và PCCCR cho nhân dân. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động bảo vệ rừng và PCCCR. Chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy. Xây dựng kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCCR.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung chỉ thị, nghị định, thông tư, quyết định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ động dự báo và thông tin cảnh báo dự báo cháy rừng tới các địa phương, chủ rừng và nhân dân. Tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm về cháy rừng, nhất là những diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3; kịp thời đề xuất các biện pháp PCCCR nhằm ứng phó kịp thời với nguy cơ gây cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp; các đơn vị lực lượng vũ trang; các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư,... được Nhà nước giao, cho thuê rừng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Bá Đoàn