Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Tài chính chủ động nắm bắt, theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, rau xanh, thuốc chữa bệnh); chủ động tham mưu UBND tỉnh quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể trên địa bàn nếu mặt bằng giá biến động nhiều, làm ảnh hưởng đến ổn định KT-XH, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh; tham mưu xử phạt nghiêm hiện tượng tăng giá để trục lợi.
Cập nhật và báo cáo thường xuyên diễn biến giá cả về UBND tỉnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Sở Công Thương theo dõi cung cầu hàng hóa; chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu nêu trên, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Trong trường hợp phát hiện thiếu hụt nguồn cung, kịp thời tham mưu UBND tỉnh biện pháp giải quyết.
Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện rà soát, có kế hoạch cụ thể bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (thịt, cá, rau, quả...); phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển các sản phẩm nông, thủy hải sản.
Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát, nhất là các địa bàn có dịch phải cách ly, phong tỏa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để “mua vét”, “mua gom” hàng hóa hoặc lợi dụng để định giá bán hàng hóa tăng cao bất hợp lý mà trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
Minh Đức