Một trong những nội dung quan trọng đang được Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, các ngành, địa phương trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm là Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm tiền đề để các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức xây dựng chiến lược phát triển, chủ động triển khai những giải pháp đột phá.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 3 phần, 14 chương, thể hiện đầy đủ theo Điều 27, Luật Quy hoạch và Điều 28, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu triển khai các công trình trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu triển khai các công trình trọng điểm (Ảnh: KT)

Phát triển Bạc Liêu thành tỉnh mạnh về kinh tế biển

Để phát triển nhanh, bền vững và khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, Bạc Liêu đã đề ra nhiều mục tiêu chiến lược.

Cụ thể, đến năm 2030, Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch; trung tâm sản xuất tôm giống; sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm.

Bên cạnh đó, phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản - thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao và phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch.

Mục tiêu tiếp theo là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại; khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo dần trở thành động lực chủ yếu cho phát triển; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; môi trường và cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học được bảo vệ, khôi phục, phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải về “net zero” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cùng với đó, Bạc Liêu tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, văn minh, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Bạc Liêu gia nhập nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước…

Định hướng đến năm 2050, cùng chung khát vọng của đất nước và của vùng ĐBSCL, Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá toàn diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng ĐBSCL gắn với phát triển bền vững 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển nhanh kinh tế xanh dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn với đổi mới sáng tạo không ngừng; xã hội phát triển hài hòa, phúc lợi xã hội ngày càng nâng cao, đậm đà bản sắc văn hóa con người Bạc Liêu, người dân hạnh phúc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; môi trường, cảnh quan thiên nhiên phát triển đa dạng với đặc trưng của vùng sinh thái tự nhiên sông nước ven biển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại; giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao phát triển ngang mức trung bình của vùng ĐBSCL; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.

Lấy công nghiệp năng lượng sạch làm khâu đột phá

Một trong những định hướng quan trọng của Bạc Liêu là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, sinh thái, ít phát thải carbon, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, trọng tâm của Bạc Liêu là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Tỉnh xác định lấy công nghiệp năng lượng sạch làm khâu đột phá trong khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có, tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp hiện đại trên địa bàn tỉnh; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm trong công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản; tăng cường đồng bộ kết cấu hạ tầng công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và cụm ngành nông nghiệp, dịch vụ.

Bên cạnh công nghiệp năng lượng sạch, Bạc Liêu sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng ĐBSCL. Đồng thời, Bạc Liêu phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ thương mại (xuất khẩu và nội thương), tài chính, ngân hàng, logistics.

Để đáp ứng nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện, các khu - cụm công nghiệp trong tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh sẽ phát triển mạnh các thành phần kinh tế và doanh nghiệp; phát triển nhanh hệ thống đô thị trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước hiện đại, kinh tế đô thị phát triển nhanh, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn tỉnh phát triển gắn với thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Bạc Liêu còn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng phong phú của nhân dân; quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.

Tăng cường liên kết, hợp tác công - tư

Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, trong thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững đi cùng với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Bạc Liêu tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp trên cả 2 vùng sản xuất phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất tôm giống, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường; nhân rộng mô hình cánh đồng lớn và mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng nuôi tôm sạch, gắn kết chặt chẽ với chế biến, xuất khẩu.

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào phát triển chuỗi giá trị ngành tôm.

Cùng với đó, Bạc Liêu ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là dịch vụ, du lịch biển, kinh tế nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo. Bạc Liêu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược Phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, thủy lợi, điện…), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản và đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng;  tập trung quyết liệt trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu (3.200 MW) sớm được triển khai thực hiện. Đồng thời, Bạc Liêu tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án nguồn điện và lưới điện khác theo quy hoạch, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia

Bạc Liêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và khai thác tốt các nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt từ 95% trở lên. Bạc Liêu siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước và thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Đặc biệt, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện đầu tư từ ngân sách nhà nước, đảm bảo bố trí vốn tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bạc Liêu tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm thu hút đầu tư; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn xã hội hóa để xây dựng, phát triển đô thị; đẩy mạnh thực hiện phát triển các huyện, thị xã, thành phố theo tinh thần các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy đã ban hành…

Tây Tựu