Xây dựng cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh tiếp tục quy hoạch thêm 5 KCN, nâng tổng số lên 21 khu nhằm hút các nhà đầu tư chiến lược, tiếp tục khẳng định một cực tăng trưởng, là thủ phủ sản xuất công nghiệp công nghệ cao của miền Bắc.
Ngoài việc không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới tạo dựng môi trường kinh doanh tốt nhất, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Bắc Ninh luôn chú trọng, thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp. Tỉnh luôn quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; chủ động rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đặc biệt là nắm bắt nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh.

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách riêng, hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số, trong đó đối tượng nhận hỗ trợ là nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường Đại học giai đoạn 2024-2030.
Những năm vừa qua, Bắc Ninh được đánh giá là địa phương tiên phong, quyết liệt trong việc xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, chuẩn bị hạ tầng để phát triển đô thị Đại học, thu hút các cơ sở đào tạo uy tín. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính chất lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
Một số trường Đại học uy tín hàng đầu của Việt Nam như: Luật, Dược, Ngoại thương, Y Hà Nội… đang trong quá trình triển khai xây dựng dự án và sớm đi vào hoạt động đào tạo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cấp các cơ sở giáo dục dạy nghề, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Bắc Ninh hiện có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 13 trường Cao đẳng, 18 trường Trung cấp, hằng năm cung cấp hơn 10.000 lao động cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bắc Ninh đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực để hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cấp vùng, khu vực, trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D) nhằm tạo bước chuyển trong phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Thu hút vốn đầu tư FDI 41 quốc gia
Năm 2024, Bắc Ninh thu hút đạt khoảng 5,1 tỷ USD, đứng đầu cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút. Quý I năm nay, thu hút đạt khoảng 1,45 tỷ USD vốn đầu tư. Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.459 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31,3 tỷ USD (đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút), đến từ 41 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 3-2025, trong các KCN có 1.320 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 27 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc có 1.008 dự án, chiếm 41% số dự án với tổng vốn đầu tư đạt 16,1 tỷ USD, chiếm hơn 51% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Các dự án Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, cơ khí chính xác, chế biến nông sản thực phẩm, các ngành dịch vụ phục vụ và công nghiệp dân dụng. Lao động người Hàn Quốc làm việc tại Bắc Ninh là gần 5.600 người, chiếm khoảng 40% tổng số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh. Riêng đối với các khu công nghiệp, có 620 dự án đầu tư vốn Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,4 tỷ USD. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 57,4 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 8.292 tỷ đồng tương (đương 332 triệu USD), thu hút khoảng 80.000 người lao động vào làm việc.

Singapore hiện là nước có số lượng nhà đầu tư hàng đầu trong số các nước ASEAN, là nước đầu tư lớn thứ 2 tại tỉnh Bắc Ninh (sau Hàn Quốc) với 106 dự án đầu tư còn hiệu lực tại các khu công nghiệp Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,01 tỷ USD. Các dự án của Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, xây dựng hạ tầng và kinh doanh bất động sản, nổi bật là 02 dự án đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN VSIP Bắc Ninh và KCN Yên Phong II-B) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 183,91 triệu USD.
Các doanh nghiệp Singapore đầu tư tại Bắc Ninh đều hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng thu ngân sách địa phương, năm 2024 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp Singapore đạt gần 3.420 triệu USD. Các dự án có vốn đầu tư từ Singapore đang sử dụng khoảng 11.000 lao động tại các khu công nghiệp Bắc Ninh.
Với một tỉnh có độ mở lớn về hội nhập kinh tế, tính kết nối vùng, khu vực cao như Bắc Ninh, nguồn lao động nhập cư vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều nên tỉnh thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; phối hợp với các trường đào tạo nghề giới thiệu nhân lực cho doanh nghiệp…các doanh nghiệp cần rà soát kỹ lưỡng về các vị trí việc làm, qua đó cùng với chính quyền các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề… hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nguồn nhân lực, nhà ở cho người lao động. Để giữ chân người lao động, doanh nghiệp cần tiết kiệm chi phí sản xuất để nâng cao thu nhập giúp công nhân gắn bó lâu dài. Về cấp phép cho lao động kỹ thuật cao, chuyên gia người nước ngoài, Bắc Ninh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, tuy nhiên doanh nghiệp cần rà soát đúng vị trí việc làm để tuyển dụng khi nhân lực trong nước không đáp ứng.
Bá Đoàn