Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang quản lý, điều trị cho 218 học viên, trong đó, có 146 học viên cưỡng chế; 48 học viên tự nguyện và 24 học viên lưu trú.
Trong 6 tháng đầu năm, Cơ sở đã chuyển viện vượt tuyến cho 04 học viên lên tuyến trên điều trị, tổ chức cấp phát thuốc methadone cho 95 bệnh nhân, xác định tình trạng nghiện cho 47 người nghiện; tổ chức bàn giao về gia đình và cộng đồng 65 người.
Xác định người nghiện ma túy là người bệnh, cơ sở cai nghiện là nơi chữa bệnh, điều trị nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh luôn nỗ lực trong điều trị, quản lý, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu cho người nghiện, giúp họ có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện, biện pháp phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm...
Qua quá trình giáo dục, lao động trị liệu và các hoạt động khác đã giúp học viên nhận thức được lỗi lầm, tác hại của ma túy, thấy được giá trị của sức lao động, từ đó biết chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học tập, rèn luyện, quyết tâm rời xa ma túy. Với những học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng được truyền đạt kỹ năng phòng, chống tái nghiện, kỹ năng từ chối bạn nghiện; tư vấn hướng nghiệp cho học viên.
Các đối tượng sau khi cai nghiện ma túy trở về với cộng đồng rất cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, sự quản lý chặt chẽ của gia đình để tránh tái nghiện. Vì vậy, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả, cần hơn nữa sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tiến bộ, hòa nhập cộng đồng.
Bá Đoàn