Đây là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của Bắc Ninh trong những năm tiếp theo, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam (ATV), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Amkor Technology Giel Rutten cho biết: Để đáp ứng nhu cầu bán dẫn ngày càng tăng nhanh, Amkor cân nhắc việc mở rộng ở một số địa điểm. Quyết định chiến lược đầu tư vào Việt Nam được thúc đẩy bởi các chính sách hỗ trợ và sự lãnh đạo xuất sắc, linh hoạt của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh.
Việc phát triển nhà máy Amkor tại Bắc Ninh nằm trong kế hoạch chiến lược kinh doanh của Tập đoàn. Với cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đồng bộ, hiện đại, nguồn lao động chất lượng cao và có năng lực mở, tiềm năng phát triển cao trong tương lai, Amkor Bắc Ninh trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu, tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam. Tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích chung cho cả đôi bên và địa điểm chiến lược này trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Tiền thân là một công ty khởi nghiệp kinh doanh chất bán dẫn tại Hàn Quốc và Mỹ được thành lập từ năm 1968, Amkor hiện là Tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và kỹ thuật, bí quyết trong ngành công nghiệp OSAT - đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn với hàng nghìn sản phẩm bán dẫn đa dạng khác nhau. Sau thời gian tìm hiểu địa điểm đầu tư, tháng 11-2021, Amkor quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của tại KCN Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích 23 ha, với pháp nhân là Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD, cam kết đến năm 2035 đầu tư với số vốn 1,6 tỉ USD.
Ngoài Amkor, tại các KCN Bắc Ninh thu hút được một số dự án đầu tư về lĩnh vực bán dẫn như: Nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components (KCN Yên Phong I), vốn đầu tư 90 triệu USD, sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn, bao gồm sản phẩm quang điện, sản phẩm gắn kết bề mặt và các sản phẩm điện tử thông minh khác; Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam (KCN VSIP) sản xuất vật liệu bán dẫn và pin điện thoại di động; Tập đoàn Victory Giant Technology (Trung Quốc) lựa chọn KCN VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam.
Victory Gaint Technology là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn, có nhiều đối tác, khách hàng lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới… Các dự án này cho thấy quy mô của ngành điện tử tại Bắc Ninh đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối năm 2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ John Neuffer dành thời gian tới Bắc Ninh, đánh giá cao môi trường và tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh và ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh. Chủ tịch John Neuffer chia sẻ: Công nghiệp bán dẫn đang phát triển sôi động, đặc biệt sau đại dịch COVID- 19.
Việt Nam đã có một số kinh nghiệm trong công nghiệp bán dẫn và vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước. Không chỉ về lắp ráp, Việt Nam cần tiến tới mảng thiết kế chip- lĩnh vực đang vô cùng tiềm năng. Nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường đặc biệt hấp dẫn trong hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hy vọng chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quyết tâm thúc đẩy các điều kiện nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.
Trong thập kỷ tới, ngành bán dẫn tiếp tục phát triển nhờ các động lực tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế kỹ thuật số; truyền thông 5G, số hóa của ngành công nghiệp ô tô, điện toán hiệu năng cao và Internet vạn vật. Đòi hỏi công nghệ phải đổi mới liên tục với kinh phí đầu tư lớn. Ngoài việc liên tục đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị và phát triển nguồn nhân lực, những đổi mới và cải tiến công nghệ hỗ trợ khách hàng sẽ quyết định thành công. Tuy nhiên, để phát triển ngành này cần phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động có chất lượng, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.
Theo xu hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn, chíp. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao. Đa dạng hóa vào các ngành sản xuất khác mà tỉnh có thế mạnh; thực hiện hoạt động sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế, bởi đây sẽ là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Tỉnh chủ động tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc; kết nối, thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp bán dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư trong ngành này. Đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực trong các mảng kỹ thuật cũng như nhiều lĩnh vực liên quan khác.
Trên địa bàn tỉnh có hệ thống phân hiệu của một số trường Đại học lớn như: Đại học Dược, Đại học Luật và rất gần với các trường Đại học lớn ở khu vực Hà Nội nên có thể thu hút một lượng lớn lao động có chất lượng cao về công tác (khối kỹ thuật có Đại học Bách Khoa, Xây Dựng, Kiến trúc; khối kinh tế có Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính.
Khối ngôn ngữ có Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ… tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 75%. Đặc biệt với các lợi thế so sánh về địa kinh tế, địa chính trị và hệ thống các KCN được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, hiện đại thu hút các Tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới tạo ra thị trường tiềm năng cho ngành bán dẫn. Những yếu tố này đang mở ra cơ hội lớn cho Bắc Ninh đón dòng vốn đầu tư mới.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh: Để chuẩn bị tốt các điều kiện thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch KCN CNTT diện tích 263,5 ha và đang tiến hành lập phân khu theo quy định và lựa chọn nhà đầu tư. Khu CNTT tập trung Bắc Ninh có vị trí kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, là vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc bộ, kết nối thuận tiện với khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc và KCN các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, Bắc Ninh có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, thể hiện ở việc yêu cầu “Hình thành các hành lang xanh gắn với các tuyến sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Ngũ Huyện Khê”; các vành đai xanh bao quanh các khu vực đô thị để giới hạn sự phát triển lan tỏa tự phát của các đô thị. Thêm vào đó, với việc được định hướng hình thành các trục liên lạc lớn như “Trục liên kết vùng; Trục liên kết khu vực”… tạo sức hấp dẫn mới để thu hút các dự án đầu tư vào trong lĩnh vực bán dẫn trong giai đoạn tiếp theo.
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn càng được đẩy mạnh trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang kỷ nguyên số, các sản phẩm điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi. Việc tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất giúp Bắc Ninh- trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước trở thành điểm đến triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bá Đoàn