Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh hỗ trợ 100% chi phí xây dựng và phát hành một số ấn phẩm về xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng "Kỷ yếu doanh nghiệp Bắc Ninh" để quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, tuyên truyền, đào tạo về xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ 70% chi phí tư vấn thiết kế, tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 60.000.000 đồng/nhãn hiệu đăng ký bảo hộ trong nước, 140.000.000 đồng/nhãn hiệu đăng ký bảo hộ nước ngoài. Tỉnh cũng hỗ trợ một lần 100% kinh phí xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, còn hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Gần đây nhất là Quyết định 134/QÐ-UBND năm 2018 về đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung vào việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 11 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh. Nhờ vào sự hỗ trợ kịp từ những chính sách, đề án, người dân và doanh nghiệp đã có điều kiện phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.
Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay vẫn gặp khó khăn. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, một số người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm, cho nên họ chưa mặn mà và hạn chế hợp tác. Việc hoàn thiện hồ sơ của người dân để hoàn thành thủ tục đăng ký mã số, mã vạch còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất phải được đăng ký sản xuất, kinh doanh thì mới được cấp mã số, mã vạch, nhưng khi đăng ký thì hằng năm các cơ sở này sẽ phải nộp thuế theo quy định. Chính vì điều này, nhiều cơ sở trốn tránh nghĩa vụ bằng cách không đăng ký kinh doanh.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, sẽ xây dựng, phát triển và nâng cao vai trò chủ đạo của các tổ chức kinh tế tập thể hoặc doanh nghiệp địa phương để làm cầu nối gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết, xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình. Ðể đạt được hiệu quả cao, hằng năm cần có các đánh giá lại việc quản lý và phát triển thương hiệu tại từng thời điểm, trên cơ sở đó có kế hoạch hỗ trợ trong việc cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ. Ðồng thời, xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng, quản lý, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của địa phương. Quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề gắn liền với quy hoạch phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sạch, bền vững đáp ứng nhu cầu của các làng nghề, và gắn liền với các chương trình phát triển du lịch tại địa phương.
Cần tổ chức triển khai hiệu quả các gian hàng trưng bày giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các địa điểm du lịch tâm linh, các nhà hàng nổi tiếng và các khách sạn từ ba sao trở lên trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và ban hành những chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm này sau khi Ðề án kết thúc. Ðẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… như vậy sẽ làm tăng sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho các sản phẩm.
Hà Trần