Phó Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh Trần Danh Phượng, Trưởng Đoàn kiểm tra số 2 (đứng thứ nhất từ phải qua) cùng các thành viên trong Đoàn kiểm tra tại Nhà hàng Manwah.
Phó trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Trần Danh Phượng, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 (thứ nhất từ phải qua) cùng các thành viên trong Đoàn kiểm tra tại Nhà hàng Manwah

Với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đã chủ động:

Tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai và thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; phối hợp với UBND thành phố Từ Sơn tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn thành phố Từ Sơn với khoảng 600 người tham gia;

Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

Đặc biệt, trong triển khai các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền “Khu dân cư phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” và triển khai mô hình điểm “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn toàn tỉnh;

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng tần suất tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; tuyên truyền trên các tuyến xe buýt, khẩu hiệu, băng rôn với 170 băng ngang và 70 băng dọc trên các tuyến đường chính… tạo nên đợt truyền thông rộng khắp, nâng cao nhận thức, ý thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, được thực hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh thành lập 3 đoàn, cấp huyện thành lập 9 đoàn và cấp xã thành lập 126 đoàn. Sau 1 tháng đồng loạt ra quân, các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.982 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Kết quả, 339 cơ sở có vi phạm, với các vi phạm chủ yếu như: thực hiện không đúng quy định của pháp luật về sổ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; thùng rác không có nắp đậy; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; nơi bày bán, chế biến thực phẩm có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang…

Các đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở với tổng số tiền gần 70 triệu đồng; lấy 88 mẫu để kiểm nghiệm, trong đó 6 mẫu được gửi xét nghiệm tại labo, 82 mẫu xét nghiệm nhanh; kết quả có 16 mẫu cho kết quả không đạt chỉ tiêu theo quy định. Trong quá trình thanh kiểm tra, các đoàn đã kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục từ những vi phạm nhỏ nhất, nhằm giúp các cơ sở thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.

So sánh với kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tháng hành động năm 2022, nhận thấy công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt hơn: số cơ sở được kiểm tra năm 2023 gấp hơn 2 lần (năm 2022 là 982 cơ sở), số cơ sở vi phạm bị phạt tiền cao gấp hơn 3 lần, tổng số tiền phạt cao gấp 2,3 lần (năm 2022 là 04 cơ sở, số tiền phạt 30 triệu đồng).

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra cho thấy, một số chính quyền địa phương cơ sở (cấp xã) chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn nên công tác này tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, việc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nhỏ lẻ chưa được triển khai đồng bộ.

Số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tập trung chủ yếu ở tuyến xã, phường, thị trấn (299/339 cơ sở có vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh) nhưng việc xử lý các cơ sở có vi phạm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nên hiệu quả của công tác kiểm tra chưa cao.

Nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, dịch vụ ăn uống mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì chạy theo lợi nhuận, cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trong đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh:

Tiếp tục triển khai có hiệu quả phần mềm Hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, thực phẩm, tiến tới thực hiện bản đồ số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”;

Đẩy mạnh hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ phận chuyên môn đáp ứng sự hài lòng của người  dân, doanh nghiệp.

Trần Nguyên