Theo đó, trong bối cảnh hiện nay của tỉnh Bắc Ninh, tăng trưởng kinh tế suy giảm, thu ngân sách nhà nước tăng chậm, đặc biệt thu tiền sử dụng đất đạt tỷ lệ rất thấp so với dự toán. Một số nhiệm vụ chi thường xuyên chậm triển khai, tiến độ giải ngân các dự án đầu công chậm.
Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước đã đề ra, UBND tỉnh chỉ thị các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường thu ngân sách nhà nước và điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2023.
Các giải pháp tăng cường thu ngân sách:
Thực hiện nghiêm các quy định của các Luật thuế, Luật Quản lý Thuế và pháp luật có liên quan, tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại trong việc phối hợp thu thuế bằng phương pháp điện tử, thực hiện điều chỉnh hoặc hạch toán đối với các trường hợp doanh nghiệp nộp nhầm, nộp thừa để đảm bảo thu đúng, thu đủ từ thuế; Tập trung xử lý các vướng mắc để kịp thời triển khai ngay đấu giá các dự án đất, các dự án đất dân cư dịch vụ, đất dự án BT... để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Về chi ngân sách địa phương:
Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức, phân cấp quản lý ngân sách, phân cấp quản lý dự án đầu tư công, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Chi đầu tư:
Các chủ đầu tư thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí trong dự toán; xem xét đánh giá khả năng thanh toán, đề xuất điều chuyển vốn sang dự án có khối lượng hoàn thành lớn còn thiếu vốn để thanh toán trong quý III/2023. Báo cáo đề xuất đối với những trường hợp vướng mắc gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý; Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh và các địa phương trong năm 2023, là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế những tháng cuối năm. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% kế hoạch năm 2023 được giao.
Chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm và khẩn trương lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng thời hạn quy định. Không để xảy ra tình trạng chậm lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công các dự án hoàn thành; Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phương hướng, giải pháp trong thời gian tới;
Chi thường xuyên:
Đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng nguồn kinh phí theo dự toán. Thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; Đối với các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán mà không thực hiện hoặc còn dư dự toán, chủ động rà soát số liệu đề nghị thu hồi kinh phí gửi Sở Tài chính trước ngày 31/8/2023.
Đối với nguồn kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ chung chưa phân bổ đến đơn vị sử dụng ngân sách: Các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện đề án, nhiệm vụ khẩn trương rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ kinh phí cho các đơn vị theo nội dung công việc được giao gửi Sở Tài chính trước ngày 31/8/2023 để tổng hợp báo cáo UBND theo quy định.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp được giao dự toán nhưng không triển khải thực hiện hoặc còn dư kinh phí nhưng không kịp thời rà soát báo cáo cơ quan tài chính tổng hợp.
Các địa phương thường xuyên cập nhật tiến độ thu chi ngân sách; chủ động sử dụng dự phòng, các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán thì phải chủ động sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ chính sách.
Các đơn vị dự toán, địa phương chủ động điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, tổng hợp báo cáo nguồn và nhu cầu gửi Sở Tài chính tổng hợp theo quy định.
Các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thi hành công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu chi ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên…; thực hiện các kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, các Chủ đầu tư nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong điều hành quản lý ngân sách những tháng cuối năm 2023.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, chủ đầu tư, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với dự toán kinh phí được giao còn dư, không sử dụng hết, vốn đầu tư không giải ngân được mà không kịp thời báo cáo để xử lý ngân sách theo quy định.
Cục Thuế, Cục Hải quan thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện thu ngân sách, gửi Sở Tài chính tổng hợp theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổng hợp đánh giá tình hình tăng thu ngân sách, phương án thu hồi, điều chỉnh kinh phí để xây dựng phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi báo cáo UBND tỉnh, trình Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét quyết định.
Bá Đoàn