Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; tăng cường khả năng thu dung điều trị ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch, đáp ứng kịch bản dịch bệnh gia tăng, hạn chế tối đa tử vong do Covid-19. Kế hoạch phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm: tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 1, tỉnh sẽ thiết lập 09 đơn vị thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh, quy mô tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 150 giường bệnh nhân nặng, nguy kịch và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 200, 300 giường tùy theo diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo của Bộ Y tế. Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã quy mô 20 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô tuỳ theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Việc sắp xếp, bố trí khu vực, khoa phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đảm bảo nguyên tắc thuận tiện cho công tác vận chuyển, di chuyển giường bệnh từ tiếp nhận đến nhập viện hoặc di chuyển giữa các khoa phòng và di chuyển các trang thiết bị, nhu yếu phẩm và chất thải y tế. Bên cạnh đó, rà soát nhân lực y tế chuyên ngành hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, chuyên khoa truyền nhiễm và các chuyên ngành phù hợp; tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn việc sử dụng máy thở, sử dụng hệ thống ECMO, lọc máu liên tục cho đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế; xây dựng phương án phân công nhiệm vụ tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Trong giai đoạn 2, tuỳ theo diễn biến dịch Covid-19, tỉnh sẽ mở rộng quy mô các đơn vị hiện tại và thiết lập bổ sung các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng phù hợp, kịp thời. Đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng các đơn vị đảm bảo biệt lập với các khoa, phòng khác; có khu lưu trú cho nhân viên y tế; bảo đảm điều kiện sinh hoạt thuận lợi, tiện nghi, khi làm việc khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trong thời gian dài. Đầu tư nâng cấp phương tiện vận chuyển cấp cứu cho các đơn vị công lập và ngoài công lập. Tiếp tục rà soát, quy hoạch nhân lực làm công tác hồi sức cấp cứu, đảm bảo 100% các khoa lâm sàng có cán bộ được đào tạo về hồi sức cấp cứu. Xây dựng bổ sung các chính sách thu hút, chế độ động viên, đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng tốt làm việc tại các trung tâm, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm.
Ngoài ra, để dự phòng quá tải các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh sẽ nâng cao công suất xét nghiệm SARS-CoV-2, đầu tư 7 hệ thống Real time PCR cho 7 Trung tâm Y tế các huyện, thị xã; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Covid-19 để quyết định biện pháp cách ly, điều trị phù hợp. Phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 (tầng 1 bệnh nhân nhẹ, tầng 2 bệnh nhân vừa, tầng 3 bệnh nhân nặng, nguy kịch). Xây dựng quy trình, áp dụng tiêu chí phân loại, chuyển tuyến bệnh nhân Covid-19 ngay sau khi phát hiện và trong suốt quá trình cách ly, điều trị; nâng cao năng lực theo dõi, tiên lượng, điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và vừa, kịp thời phát hiện các biểu hiện diễn biến nặng, nguy kịch để can thiệp, điều trị kịp thời hạn chế tiến triển nặng.
PV