Các trường hợp vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, nhà tạm, tường rào, tường bao, đào ao, xẻ đê làm dốc lên xuống, đổ rác thải, vật liệu xây dựng trên thân đê, công trình thủy lợi…
Chính quyền các địa phương đã phối hợp với ngành Nông nghiệp xử lý dứt điểm được 5 trường hợp cố tình tập kết bìa cát tông, dựng cột thép, trồng cây trên bờ kênh tiêu và xây tường, đắp ao lấn chiếm lòng sông thuộc địa bàn các xã: Phú Lâm, Tân Chi (huyện Tiên Du); Quảng Phú, Lâm Thao, huyện Lương Tài).
Nhằm tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024.
Theo đó, tập trung tổ chức rà soát, phân loại vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi; đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp và đưa ra các mốc thời gian, các trường hợp cụ thể phải xử lý trong năm 2024, 2025 và năm 2026; đồng loạt ra quân cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 1/8 đến ngày 1/9/2024.
Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, ngành Nông nghiệp trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn.
UBND cấp huyện xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết xử lý các vi phạm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, bố trí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm cố tình không tự giác tháo dỡ theo quy định.
Bá Đoàn